COVID-19 và Lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Ngày Thế giới phòng chống lao (24/03) hàng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu.
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm 2022 với chủ đề: “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020). Phần lớn các ca tử vong do chưa được phát hiện và điều trị. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của khoảng 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Chiến dịch truyền thông nhân ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm 2022 với chủ đề: “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Đây là hoạt động quan trọng hàng năm hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao trong công tác phòng, chống lao. Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2030, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới. Đặc biệt, tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
Mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số hiểu về bệnh lao và có các biện pháp phòng, chống lao. Xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao; tăng cường công tác chẩn đoán, phát hiện, chăm sóc, dự phòng, hỗ trợ và điều trị người mắc bệnh lao. Triển khai linh hoạt và đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương.
Biện pháp phòng, chống bệnh lao hiệu quả nhất hiện nay là phát hiện sớm những người mắc bệnh lao phổi và điều trị khỏi cho họ,đây là biện pháp hiệu quả và triệt để nhất. Mọi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, như: Không hút thuốc lá, vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việcthoáng khí,ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục đều đặnvà khám sức khoẻ định kỳ theo hướng dẫn. Khi có triệu chứng nghi lao, như: Ho kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và phát hiện bệnh lao kịp thời.Tiêm vắc-xin phòng lao đầy đủ cho trẻ ngay sau khi sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đối với người đã mắc bệnh lao, cần thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cho người xung quanh như cách chúng ta phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay, đó là: Thường xuyên đeo khẩu trang; không khạc nhổ bừa bãi, dùng khăn giấy che miệng khi nói chuyện, ho, hắt hơi... Khăn giấy và khẩu trang sau khi sử dụng bỏ vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước sạch. Tuyệt đối tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Với chủ đề “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”, ngành Y tế mong muốn từ cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cộng đồng hãy chủ động, chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống lao. Người dân cần thực hành các biện pháp "phòng, chống Lao như phòng, chống Covid-19", để Việt Nam không còn bệnh Lao vào năm 2030./.