Thực hiện kế hoạch của UBND quận Long Biên về việc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu cụm di tích, lịch sử văn hóa trên địa bàn quận Long Biên năm học 2022 - 2023. Thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 của trường Tiểu học Thạch Bàn A, ngày 24/10/2022, trường Tiểu học Thạch Bàn A tổ chức cho học sinh khối lớp 3 thăm quan cụm di tích lịch sử đình Bắc Biên – phường Ngọc Thụy và đền Trấn Vũ – phường Thạch Bàn.
Lịch sử địa phương là một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc. Dạy và học lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên, hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống..., trách nhiệm công dân mà còn là cách giúp học sinh nhận thức sâu sắc thêm lịch sử dân tộc. Xác định rõ tầm quan trọng đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Thạch Bàn A luôn chú trọng, tập trung đẩy mạnh phong trào đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy.
Sáng ngày 22/10/2020, Trường Tiểu học Thạch Bàn A đã tổ chức cho hơn 210 học sinh khối lớp 3 đi tham quan 2 di tích lịch sử của quận Long Biên cụm di tích đình chùa Bắc Biên, phường Ngọc Thụy và đền Trấn Vũ thuộc phường Thạch Bàn. Buổi tham quan ngoại khóa đã giúp các em hiểu biết hơn về truyền thống lịch sử địa phương.
Hành trình tham quan di tích lịch sử địa phương của các bạn học sinh khối 3 Trường Tiểu học Thạch Bàn A bắt đầu với điểm đến đầu tiên là đình, chùa Bắc Biên. Tại đây, các em xúc động bái vọng để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Các em được lắng nghe lịch sử hình thành của di tích đình chùa Bắc Biên và tìm hiểu về cuộc đời của vị tướng Lý Thường Kiệt tài ba. Bên cạnh đó, các bạn học sinh của Trường Tiểu học Thạch Bàn A còn được tìm hiểu thêm những phong tục tập quán của người dân nơi đây. Từ đó các em thêm tự hào, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử của quê hương mình.
Đến với cụm di tích đền Trấn Vũ, các em được lắng nghe về lịch sử, những đặc trưng của ngôi đền là xây dựng quay về hướng Bắc, trong hậu cung có thờ đức thánh Huyền thiên Trấn Vũ. Ngoài kiến trúc đặc sắc và những di vật quý, đền Trấn Vũ còn lưu giữ pho tượng đức Huyền thiên Trấn Vũ - đây là một trong 2 pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Theo ông Ngô Quang Khải thì đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Năm 1747, nhân dân đúc lại tượng đồng đức thánh để thờ, thế nhưng so với công lao to lớn của ngài thì thấy chưa đủ xứng tầm cho nên đến năm 1788, các hương lý và các quan chức sắc của làng đã quyên góp nhân dân để xây dựng và đúc lại tượng đồng của ngài. Sau 14 năm, đến năm 1802, bức tượng được hoàn thành. Đây là một công trình nghệ thuật, điêu khắc đạt được đỉnh cao. Năm 2015, Nhà nước đã công nhận bức tượng Huyền thiên Trấn Vũ là bảo vật quốc gia. Tại đền Trấn Vũ, hàng năm, vào ngày 3/3 Âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội gắn với ngày sinh của Ngài, ngày 9/9 là ngày hóa của Ngài. Ngoài nghi thức thì lễ hội đền Trấn Vũ có một trò chơi dân gian rất độc đáo, đó là trò kéo co luồn dây qua lỗ cột (kéo co ngồi). Đây là trò chơi hiếm thấy ở nơi khác. Trò góp phần hào hứng không nhỏ vào lễ hội.
Buổi tham quan, học tập lịch sử địa phương đã lôi cuốn được sự thích thú, tìm hiểu của các em học sinh. Đặc biệt, chuyến đi đã giúp các em hiểu được di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương được hình thành từ quá trình lao động cần cù, sáng tạo kết hợp với trí tuệ của cha ông là biểu hiện cụ thể về một nền văn hóa truyền thống mang tính bản địa sâu sắc. Ngoài ra, buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp các em có ý thức bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời thấy được trách nhiệm to lớn của mình đối với việc bảo vệ các di tích danh thắng của quận Long Biên.
Một số hình ảnh trong buổi học lịch sử địa phương:
Các em học sinh đang làm lễ dâng hương tại đình Bắc Biên
Các em học sinh đang nghe bác Ngô Quang Khải giới thiệu về lịch sử đền Trấn Vũ