Chu Lai là một nhà văn quân đội, một nhà văn nổi tiếng, một tác giả thành công với mảng đề tài chiến tranh và người lính, sau gần 40 năm trôi qua, tiếp nối những thành công đã đạt được về mảng đề tài này, thì Đại tá nhà văn Chu Lai đã vinh dự dành giải thưởng của hội nhà văn Việt Nam năm 2016 với tiểu thuyết “Mưa đỏ”.
Cuốn tiểu thuyết “Mưa đỏ” được ấn hành bởi nhà xuất bản Văn học, kích thước 20,5cm, dày 450 trang, trang bìa có gam màu đen của dòng sông Thạch Hãn về đêm xen với màu đỏ của máu những người lính đã ngã xuống.
“Mưa đỏ - bản hùng ca về tám mươi mốt ngày đêm đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị.
Mưa đỏ - là mưa hay là máu, là lửa giội trên cao hay nắng đổ xuống đầu?”
Hình ảnh học sinh chi đội 5C giới thiệu sách
Đó là những trận càn quét bất kể sớm chiều, mưa nắng, là những thiếu thốn, mâu thuẫn ngay bên trong những người đang cầm súng, là những cái chết oanh liệt dẫu có khác nhau về cách thức nhưng lại cùng vì một lý tưởng. Cũng là những bức kí họa của chàng sinh viên năm ba Đại học Mỹ thuật Hà Nội, là những nốt nhạc cứ mỗi lúc tiếng súng lặng lại được thành hình ngay tại căn hầm giao thông chật hẹp, là chú chim non rơi vào hố bom được người chiến sĩ ủ ấm, là tình yêu đơn giản mà bền chặt của người nữ xã đội trưởng người Huế và anh lính gốc Hà Thành... Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh bên dòng Thạch Hãn, hòa vào dòng sông, hòa vào nước mưa, hòa cả vào đất mà nhuộm thắm màu cờ.
Câu chuyện bắt đầu từ những cuộc chia ly của Cường – một sinh viên nhạc viện và Quang – người lính con nhà nòi với 2 bà mẹ…
Cuộc chiến đấu anh dũng nơi Thành cổ đã mang những con người ở đủ mọi tầng lớp đến cạnh nhau. Họ là người cá thể độc lập, đến từ những vùng đất khác nhau, vì những lý do khác nhau mà hội ngộ bên nay bờ Thạch Hãn. Là tiểu đội trưởng Tạ, nông dân chân đất, thẳng thắn lại cộc tính, là tiểu đội phó Sen chàng trai Sài Thành trí thức, trầm ổn. Còn có những tâm hồn nghệ sĩ lại thư sinh như Bình chàng sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội, và cả Cường. Có tầng lớp công nhân như Hải, người thợ chuyên lắp điện, đào cống đến gù lưng, lại có Tú, Tấn những cậu học sinh chưa học hết cấp ba lại dám “khai gian” tuổi đời để được ra trận. Có những chiều êm đềm ngâm mình trong dòng Thạch Hãn, có những sáng ngồi nghe Tú kể chuyện luyên thuyên, có cậu học trò vào trận đầu đã khóc, có tình yêu của Hồng với Cường từ những chuyến đò chở bộ đội sang sông, có chú chim non được Tấn ủ ấm bằng tất cả hơi ấm cuối cùng, có chàng họa sĩ Bình ngủ quên khi canh gác, có đường cống ngầm được Hải tìm ra sau trận càn đã trở thành hào giao thông, có chiến công đánh lui được tốp lính Hắc Báo của Quang,...Và có cả trăn trở của Cường mỗi khi nhìn kẻ thù gục xuống bởi họ cũng là con người, cũng có trái tim và hơn hết họ cũng có mẹ như anh.
Nơi chiến trường đó, từng người trong bọn họ lần lượt hy sinh. Tú, cậu em út vừa mười sáu tuổi, hy sinh khi chuẩn bị hạ được tên thiếu úy Quang, trước lúc mất đi vẫn nhìn Cường hỏi rằng bản thân đã là bộ đội thực sự hay chưa... Hải, người chiến sĩ bị địch bắt được, mang ra thiêu sống ngay trước thành, trước lúc mất vẫn ngạo nghễ cười cợt kẻ thù, khích lệ anh em. Tiểu đội phó Sen, vì chiến trường khắc nghiệt mà trầm cảm, biến chất, nhưng trước cái chết của Hải đã bừng tỉnh mà cảm tử hy sinh, một mình ôm đạn lao về phía địch, để đồng đội kịp cứu lấy thi hài của Hải. Có tiểu đội trưởng Tạ bị bắn lén, gục xuống trước mắt Cường. Có cả Bình ngã gục cạnh Cường, trên tay là khẩu súng và băng đạn chưa kịp lắp. Và cuối cùng là Cường, sau trận đánh cuối cùng để bảo vệ đoàn thương binh đang xuôi dòng Thạch Hãn, anh ngã xuống trước mắt Hồng, sau khi hạ được tên Quang. Và tên Quang, hắn thật sự bại dưới tay anh nhưng lại chết dưới làn đạn bắn lén tên toán phó, cấp dưới của chính hắn...
Câu chuyện kết thúc trong áng hương nhạt màu của mẹ Cường dành cho Quang... Bà về lại Thành cổ cùng Hồng, xuôi dòng Thạch Hãn đã đỏ ngầu như chính đôi mắt của bà khi ấy. Và rồi như một dải băng quấn lại vết thương đã quá sâu của đất nước, nén hương bà thắp cho Quang đẹp như chính cái nhìn của một con người, của hòa bình nhìn vào chiến tranh ác nghiệt. Như tác giả đã nói có ba thứ mà con người ta không thể chọn khi sinh ra đó là mẹ, quê hương và chiến tuyến. Bà và cả mẹ Quang là những bà mẹ đã vì chiến tranh mà mất đi đứa con của mình ngay tại Thành cổ này và cho dù đứa con đó có ở chiến tuyến nào thì nỗi đau của người mẹ vẫn là vô hạn... Đâu đó vang lên bài thơ khắc ở đôi bờ Thạch Hãn:
“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
(Lời người bên sông – Cựu binh Lê Bá Dương)
Cuốn sách hiện có tại thư viện trường Tiểu học Thạch Bàn A, rất mong các thầy cô cùng các bạn học sinh tới tìm đọc!