Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến !
Nhân dịp chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ mùng 8 tháng 3, thư viện trường tiểu học Thạch Bàn A xin trân trọng giới thiệu cuốn sách – Danh nhân lịch sử Việt Nam: Nữ tướng Bùi Thị Xuân. Cuốn sách giúp các em hiểu thêm về lich sử oai hùng của dân tộc, tự hào thêm về những người phụ nữ đã góp phần làm nên lịch sử.
Cuốn sách dài hơn 100 trang, do nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin phát hành năm 2012, với khổ 13 * 20,5 cm, bìa sách là hình ảnh Nữ tướng Bùi Thị Xuân đang bị hành hình -cái chết lẫm liệt, bất tử của bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người và được truyền lại qua nhiều thế hệ.
Lúc sinh thời người đời khâm phục Bùi Thị Xuân vì bà vừa có nhan sắc tuyệt trần, giỏi võ nghệ và tài cầm quân của một nữ tướng kiệt xuất cùng chồng là Thái phó Trần Quang Diệu phò vua Quang Trung- Nguyễn Huệ chinh Nam, tảo Bắc oai phong bách chiến, bách thắng.
Khi triều Tây Sơn suy yếu, tan rã bà vẫn một lòng thờ vua Cảnh Thịnh chiến đấu đến sức tàn lực kiệt và bị Nguyễn Ánh bắt. Vì căm hận và hoảng sợ, vua Gia Long đã trả thù hèn hạ và dã man nhất với cực hình cho voi giày. Bà cùng với con gái Bùi Bích Xuân đã chết được một nhà truyền giáo phương Tây viết năm 1807 đã chứng kiến và kể lại, nhưng oai danh và khí tiết khiến cho trời đất quỷ thần còn kính sợ, người đời thì truyền tụng sự bất tử của nữ tướng trung liệt Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Từ xa xưa, người dân đất Bình Định đã có câu ca dao :
Ai vào Bình Đình mà coi
Con gái cũng biết múa roi, đánh quyền…
Câu ca dao không chỉ đề cao tinh thần thượng võ mà còn là sự ngợi ca tài năng võ nghệ lỗi lạc của những nữ tướng dưới cờ nghĩa Tây Sơn, dưới trướng của Nguyễn Huệ- Quang Trung. Trong số đó, người nữ tướng kiệt xuất nhất chính là Đô đốc Bùi Thị Xuân- vợ của Thái Phó Trần Quang Diệu.
Bùi Thị Xuân (chưa rõ năm sinh) là người làng Xuân Hòa, phía Nam sông Côn, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), là con của ông Bùi Đắc Chí, cháu của Thái sư Bùi Đắc Tuyên và là cháu gọi bà Bùi Thị Nhạn (vợ kế Quang Trung) bằng cô ruột.
Lúc nhỏ, Bùi Thị Xuân không chuyên tâm vào chuyện nhi nữ thường tình, rất chăm chỉ luyện tập võ nghệ, múa côn, đánh quyền. Theo các nguồn tư liệu đều mô tả nữ tướng Bùi Thị Xuân thời trẻ là một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp, dũng mãnh và giỏi văn thơ, binh pháp, chữ nghĩa. Qua bức vẽ chân dung của bà đang thờ tự ở nhà Bùi tộc thời gian qua dường như không chính xác. Tả về Nữ tướng Bùi Thị Xuân, danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1853-1922) có đoạn viết rằng:
Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao
Xuân phong, xuân huyết nhiễm chinh bào
Hoàng hôn thành dốc bi già động
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều…
Tạm dịch nghĩa:
Khí xuân lạnh như khí lạnh của lưỡi dao bén thoát ra
Gió xuân thổi máu bay thấm đẫm tấm chinh bào
Nơi góc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn
Có người dung nhan kiều diễm như đóa phù dung…
Bài thơ cho thấy, Bùi Thị Xuân phải là người phụ nữ xinh đẹp kiều diễm, rất giỏi võ nghệ, có tài cầm binh, thông thạo binh pháp, có ý chí kiên cường và lòng dũng cảm vô song. Nhờ vào tài nghệ về chiến thuật, binh bị cộng với lòng dũng cảm bà đã lập được nhiều chiến công, trở thành nữ tướng kiệt xuất của nghĩa quân Tây Sơn với tư cách là người chỉ huy đội tượng binh- một binh chủng đặc biệt và dũng mãnh này khiến quân Trịnh, Nguyễn và Mãn Thanh khiếp sợ.
Để tìm hiểu nhiều hơn nữa về nữ tướng Bùi Thị Xuân và Những người phụ nữ Việt Nam anh hùng khác nữa, mời các bạn hãy tới Thư viện trường tiểu học Thạch Bàn A để cùng đọc sách nhé!
Hẹn gặp lại các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.