TRƯỜNG TIỂU HỌC THẠCH BÀN A
BÀI TUYÊN TRUYỀN DINH DƯỠNG
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho học sinh tiểu học
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Hôm nay, được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường cô sẽ tuyên truyền cho các em về Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho học sinh tiểu học.
Trẻ trong giai đoạn tiểu học từ 6 tới 11 tuổi là giai đoạn cơ thể đang phát triển mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ, bên cạnh đó, đây còn là giai đoạn tích luỹ dưỡng chất để trẻ chuẩn bị đến với quá trình dậy thì.
Trẻ ở giai đoạn này, có nhu cầu về năng lượng và chất đạm khác nhau, vì vậy cha mẹ nên biết để cho trẻ ăn chế độ đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng Quốc gia:
Trẻ 6 tuổi: Năng lượng 1600g, chất đạm 36g
Trẻ 7– 9 tuổi: Năng lượng 1800g, chất đạm 40g
Trẻ 10– 12 tuổi: Năng lượng 2100– 2200g, chất đạm 50g
Thiếu hụt chất ở bất kỳ thành phần nào cũng có thể gây ảnh hưởng tới tầm vóc và trí lực trẻ. Tuy nhiên cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn khoa học bởi nếu cho ăn nhiều những nhóm dinh dưỡng cần hạn chế rất dễ gây thừa cân, béo phì, còn nếu trẻ ăn ít sẽ ít cân, hay ốm, mệt mỏi, ảnh hưởng tới hoạt động vui chơi, học tập.
Tháp dinh dưỡng cho trẻ 6 – 11 tuổi và hình ảnh minh họa
kích cỡ đơn vị ăn của một số thực phẩm (Theo nguồn của Bộ Y tế - Viện dinh dưỡng Quốc gia)
Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là thực phẩm của bữa ăn cung cấp đầy đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin. Muốn đảm bảo một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối, chúng ta cần thực hiện đa dạng hoá bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật, ví dụ như không chỉ ăn thịt, cá mà còn ăn đậu phụ, vừng lạc, rau và hoa quả.
Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là bữa ăn đủ bốn nhóm chất trong mỗi bữa ăn, bao gồm:
1. Nhóm tinh bột: bao gồm ngũ cốc, khoai củ, gạo và các chế phẩm từ gạo. Đây là nhóm thực phẩm trẻ ở độ tuổi 6-11 tuổi cần tiêu thụ một lượng lớn tinh bột hàng ngày nhằm tạo ra năng lượng để hoạt động. Tinh bột là chất cần được ưu tiên hàng đầu và cần được bổ sung đầy đủ trong các bữa ăn. Các thực phẩm giàu tinh bột có thể kể đến như cơm, mì,... ngoài ra còn có trong khoai, sắn, bắp, ngũ cốc,...
2. Nhóm chất đạm: - Nhóm chất đạm bao gồm thịt hải sản các loại hạt sữa và các chế phẩm từ sữa cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.
3. Nhóm chất béo: bao gồm dầu mỡ. Chất béo cũng là một chất không thể thiếu cho quá trình hoạt động của cơ thể. Chất béo hỗ trợ giúp cơ thể dễ hấp thu các vitamin hơn và tăng cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, theo như tháp dinh dưỡng cho học sinh tiểu học, nhóm chất béo này chỉ nên bổ sung cho cơ thể vừa phải và cần hạn chế sử dụng những chất béo bão hoà có nhiều trong mỡ động vật. Cha mẹ có thể bổ sung chất béo cho trẻ bằng các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, đậu phộng,...
4. Nhóm vitamin, khoáng chất và các chất xơ: có trong các loại rau củ và trái cây, cung cấp các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Những lưu ý trong chế độ ăn của trẻ tiểu học:
Ở lứa tuổi học tiểu học, trẻ đã hoàn toàn ăn cùng với gia đình, tuy nhiên các bố mẹ cần lưu ý một số điểm sau:
- Cho trẻ ăn no và nhiều vào bữa sáng (để tránh ăn quà vặt ở đường phố, hoặc một số trẻ ăn quá ít, nhịn sáng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, thậm chí hạ đường huyết trong giờ học). Cho trẻ ăn 3 bữa chính vả 1-2 bữa phụ trong ngày.
- Sử dụng đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm là tinh bột, đạm, chất béo và rau quả, kết hợp thực phẩm động vật và thực vật.
- Ăn đúng bữa, không ăn vặt, không ăn bánh, kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.
- Tăng cường các món luộc, canh; hạn chế các món kho rim, rang mặn và thực phẩm chế biến sẵn. Không nên nấu thức ăn quá mặn, tập thói quen ăn nhạt.
- Hướng dẫn con ăn nhiều rau và trái cây để tránh táo bón, đồng thời cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
- Hạn chế ăn thức ăn nhanh, đồ chiên dầu dẫn đến thừa cân, béo phì.
- Nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Tập cho trẻ thói quen uống nước kể cả khi không khát, lượng nước nên uống một ngày 1 lít.
- Giáo dục cho trẻ thói quen vệ sinh ăn uống: rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.
Một chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý không những mang lại cho bản thân các em và gia đình sức khỏe tốt mà còn phòng, chống được nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh béo phì. Chúng mình hãy cùng bố mẹ và nhà trường thực hiện ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi tiểu học để có sức khỏe tốt để phát triển toàn diện cả thể lực và trí tuệ.
Vừa rồi cô đã tuyên truyền về Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho học sinh tiểu học. Cô cảm ơn thầy cô và các em đã chú ý lắng nghe và cô mong rằng sau khi được tuyên truyền thì các em đã biết và thực hiện ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý để phù hợp với lứa tuổi tiểu học và tốt cho sức khỏe của mình./.
Nguyễn Oanh