Ngày Thế giới phòng, chống lao được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10-15 người khác.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao năm 2024 - “YES! WE CAN END TB!”- “ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO!” - Chủ đề như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao năm 2024 “Yes! We can end TB!”- “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!”
Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới
Trên cơ sở chủ đề của Thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024 của Việt Nam là "ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO!"- Chủ đề này như một lời “hồi đáp”, hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống lao, đồng thời chủ đề năm nay tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024 của Việt Nam
"ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO!"
Nguồn: Chương trình Chống lao Quốc gia NTP
1. Thông tin về tình hình bệnh lao:
- Lao vẫn là một trong những bệnh lây truyền nguy hiểm nhất thế giới.
- Mỗi ngày có gần 3560 người tử vong và khoảng 30,000 người bệnh mới vì căn bệnh có thể dự phòng và điều trị khỏi này.
- Nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến với bệnh lao đã cứu sống xấp xỉ 75 triệu mạng sống từ năm 2000 đến nay. Đã có một nỗ lực hồi phục đáng ghi nhận trong việc phổ cập phương pháp chẩn đoán và điều trị lao trong năm 2022. Nó cho thấy một xu hướng tích cực nhằm đảo ngược những tác động tiêu cực do sự gián đoạn mà đại dịch Covid-19 gây ra.
- Trong Báo cáo lao toàn cầu mới nhất, WHO nhấn mạnh rằng đã có hơn 7,5 triệu người bệnh lao được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị trong năm 2022, nhiều nhất kể từ khi WHO bắt đầu ghi nhận số liệu từ cách đây 30 năm. Thêm vào đó, Hội nghị Cấp cao Liên Hiệp Quốc đã đồng ý với những mục tiêu mới nhằm chấm dứt bệnh lao và WHO đã ra mắt Hội đồng Thúc đẩy vắc xin lao, nhằm triển khai việc phát triển, cấp phép và đảm bảo sự bình đẳng trong việc khai thác và sử dụng vắc xin lao mới.
- Tuy nhiên, công cuộc đạt được mục tiêu phòng chống lao toàn cầu được đề ra năm 2018 gặp phải nhiều khó khăn bởi sự gián đoạn do đại dịch và và những cuộc xung đột trên toàn cầu.
- Mục tiêu kết thúc bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2035 chỉ có thể thành công với sự đồng lòng, tham gia hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, của người dân.
2. Đường lây của bệnh lao:
Lao là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, được coi là bệnh khá nguy hiểm nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và đề kháng thuốc điều trị khá cao nếu không được điều trị đúng cách. Khi các vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ phát triển và tấn công vào các cơ quan gây tổn thương, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Trường hợp người bệnh không tích cực điều trị có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các bộ phận của cơ thể, nhưng trong đó lao phổi là thể phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% số người mắc bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
3. Những dấu hiệu của bệnh lao phổi: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác:
- Ho ra máu;
- Sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm;
- Đau tức ngực;
- Gầy sút cân.
4. Phòng lây nhiễm bệnh lao cho cộng đồng:
- Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao;
- Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp
X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;
- Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;
- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện sớm, tránh lây bệnh cho người khác.
Vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống bệnh Lao. Chúng ta cùng chung tay trong công cuộc chấm dứt bệnh lao để cứu sống hàng chục nghìn người mỗi năm và góp phần cùng thế giới đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm đã tồn tại lâu đời và vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, kinh tế, xã hội của toàn thế giới như hiện nay.