Năm học 2019 – 2020, Trường Tiểu học Thạch Bàn A tiếp tục tổ chức chuyên đề và áp dụng dạy học theo phương pháp “ Bàn tay nặn bột”(BTNB). Phương pháp BTNB là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến liên quan đến đời sống khoa học để giúp các con tăng thêm nhận thức và kĩ năng sống.
Qua tiết dạy chuyên đề môn Khoa học, bài: “Nước có những tính chất gì?” do cô giáo Lưu Thị Son – GVCN lớp 4A thực hiện, cả người dạy và người dự giờ đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận đều cho rằng các em học tập rất sôi nổi, được thoải mái bộc lộ quan điểm, hiểu biết của mình, các nhóm hoạt động tích cực, thực hành thí nghiệm để tìm ra kiến thức. Học sinh được phát huy tối đa sự hiểu biết, năng lực của bản thân. Các em có kĩ năng thực hành khá tốt, mạnh dạn trình bày, phát biểu và tham gia nhận xét, đánh giá; tạo được không khí lớp học thoải mái, vui vẻ. Hơn thế, các em được khắc sâu kiến thức vì tự bản thân cảm nhận về biểu tượng ban đầu để tìm ra kiến thức đúng; hình thành tác phong và thói quen làm việc khoa học, thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo. Chất lượng học tập của học sinh được nâng cao, dần hình thành quan điểm khoa học trong cách sống và học tập của từng em.
Các em được quan sát một số sự vật hiện tượng của thế giới thực tại, gần gũi, dễ cảm nhận và tiến hành thực nghiệm về chúng.
Học sinh làm thí nghiệm khám phá tính chất của nước
Trong quá trình học tập, các em tự lập luận và đưa ra các lí lẽ, thảo luận những ý nghĩ và kết quả đạt được. Đây là một hoạt động mà hoàn toàn chỉ dựa vào sách vở là không đủ.
Học sinh tích cực chia sẻ giao lưu
Trong quá trình nghiên cứu, học sinh phải sử dụng tất cả các giác quan để tìm ra tri thức mới. Dụng cụ để làm thí nghiệm không đòi hỏi phải sử dụng những dụng cụ phức tạp, hiện đại, đắt tiền mà đa số là những dụng cụ dễ tìm kiếm, dễ sử dụng, không nặng nề.
Thao tác trên những dụng cụ thí nghiệm cũng hết sức đơn giản và không cần có hiểu biết kĩ thuật gì đặc biệt. Các em có thể sử dụng các giác quan hoặc phân tích kết quả thực nghiệm từ đó có thể có những kết luận khác nhau.
Qua việc tìm hiểu và vận dụng phương pháp BTNB trong dạy học Khoa học, tôi nhận thấy đây là phương pháp có thể phát huy tối đa khả năng tự học và sáng tạo của học sinh, giúp các em tự phát hiện và giải quyết vấn đề thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra. Nhờ đó học sinh hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ, góp phần hình thành tác phong và phương pháp làm việc của một nhà khoa học khi các em trưởng thành.
Buổi chuyên đề cũng đã góp phần bồi dưỡng cho giáo viên những kĩ năng như: quan sát, phân tích, … Bên cạnh đó, các thầy cô cũng đã tập trung vào trao đổi, thảo luận tìm ra hướng giải quyết các nội dung còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.