Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục Thành phố Hà Nội, Phòng GD&ĐT Quận Long Biên về việc triển khai thực hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy trong nhà trường. Sáng ngày 13 tháng 10 năm 2017, tại trường Tiểu học Thạch Bàn A dưới sự chỉ đạo và giúp đỡ của BGH nhà trường,cô giáo Trần Mai Diệu Anh – GVCN lớp 5C đã tiến hành thực hiện chuyên đề phương pháp “Bàn tay nặn bột” môn Khoa học với bài học “Dung dịch”
Tiết học vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã thực sự đem lại sự hứng khởi, niềm say mê học tập cho các em học sinh. Các em không chỉ được chủ động tìm tòi, tiếp thu kiến thức môn học mà còn được kiểm chứng nội dung đã học qua thực hành các thí nghiệm gắn liền với thực tế.
Phương pháp này chú trọng tới việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát kết quả. Với một vấn đề khoa học, học sinh có thể đặt ra câu hỏi, giả thiết từ hiểu biết ban đầu, tiến hành thí nghiệm, nghiên cứu, kiểm chứng, so sánh, phân tích, thảo luận và đưa ra kết luận phù hợp. Phương pháp này kích thích sự tò mò, ham mê khám phá của học sinh.
Giờ học đã thực sự tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của học sinh. Các thao tác trên những dụng cụ thí nghiệm cũng hết sức đơn giản và không cần có kĩ thuật gì đặc biệt. Các em có thể thử nghiệm để hiểu rõ về khái niệm “dung dịch” bằng cách làm thí nghiệm bỏ muối (đường) vào nước lọc và khuấy đều để quan sát hiện tượng chất rắn hòa tan và phân bố đều vào với chất lỏng, rồi thí nghiệm chất lỏng hòa tan với chất lỏng bằng thí nghiệm nước lau nhà với nước lọc. Tiếp đó là thí nghiệm để phân biệt cùng là chất lỏng với chất lỏng nhưng không tạo ra dung dịch, đó là dầu ăn với nước lọc...
Từ những thí nghiệm này, các em đã hiểu rõ hơn và đưa ra được khái niệm dung dịch: Muốn tạo ra dung dịch ít nhất phải có hai chất trở lên, trong đó phải có một chất ở thể lỏng và chất kia phải hòa tan được vào chất lỏng đó. Hỗn hợp chất lỏng với chất rắn bị hòa tan và phân bố đều hoặc hỗn hợp chất lỏng với chất lỏng hòa tan với nhau được gọi là dung dịch.
Học sinh sẽ ghi nhớ sâu sắc, lâu dài những thí nghiệm do mình tự làm, kích thích ham muốn khám phá thế giới của các em, tạo ra sự cân đối giữa kiến thức và kỹ năng, giữa lý thuyết và thực hành.
Sau khi dạy bài: “Dung dịch” môn khoa học ở lớp 5C, điều làm tôi phấn khởi và ấn tượng nhất là câu nói của học sinh: “ Cô ơi, thích lắm cô ạ, vui và thú vị lắm!”