BÀI TUYÊN TRUYỀN AN TOÀN GIAO THÔNG
Thời gian gần đây tình hình UT và TNGT đang có những diễn biến phức tạp. TNGT đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông, mỗi năm TNGT cướp đi tính mạng của hàng chục nghìn người chết và bị thương, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Từ đầu những năm 2000 đến nay trước sự đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa, số lượng người tham gia giao thông tăng nhanh, ý thức chấp hành quy tắc giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng ùn tắc và TNGT trên địa bàn Hà Nội, không những để lại hậu quả nặng nề về cả vật chất lẫn tinh thần mà còn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân Thủ đô.
- Số liệu TNGT trên toàn địa bàn TP Hà Nội
+ Năm 2016: xảy ra 1552 vụ TNGT, làm 594 người chết và 1306 người bị thương
+ Năm 2017: xảy ra 1448 vụ TNGT, làm 583 người chết và 1126 người bị thương.
+Năm 2018: Xảy ra 1361 vụ TNGT, làm 549 người chết và 922 người bị thương.
- Tai nạn giao thông trên địa bàn quận Long Biên:
+ Năm 2018 trên địa bàn quận Long Biên xảy ra: 95 vụ TNGT ; làm chết 28 người; bị thương 51 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 10 vụ TNGT, giảm 9 người chết, giảm 04 người bị thương.
+ Năm 2017 xảy ra: 105 vụ TNGT; làm chết 37 người; bị thương 55 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 8 vụ , tăng 13 người chết , giảm 27 người bị thương.
I. Tuyên truyền các quy định của Luật Giao thông đường bộ
Để giảm thiểu TNGT và UTGT. Cô xin phổ biến cho các em một số quy định của Luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ như : Đi bộ, đi bộ qua đường an toàn; đi xe đạp; ngồi trên xe đạp, xe máy như thế nào để đảm bảo an toàn.
Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định :
1. Đối với người đi bộ: Điều 32 luật giao thông đường bộ quy định:
- Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
- Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
- Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
- Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
* Không nên:
- Không nên đi dàn hàng ngang tụm năm tụm ba dưới lòng đường để tránh va chạm với các phương tiện giao thông và gây cản trở cho những người tham gia giao thông.
- Không nên chơi đùa trên hè phố vì có thể bị ngã xuống lòng đường
- Không nên đột ngột chạy sang đường: lái xe không thể dừng lại ngay lập tức và TNGT có thể xảy ra.
- Không nên vượt qua dải phân cách: có thể bị ngã xuống lòng đường và các xe trên đường không kịp tránh.
- Không nên qua đường quá gần chỗ các phương tiện đang dừng đỗ: các phương tiện này có thể chuyển động bất ngờ hoặc che khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho các em.
- Không nên mải vui nói chuyện gây mất tập trung, các em không thể quan sát được những chiếc xe đang đi tới.
2. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp: Điều 31 luật giao thông đường bộ quy định:
- Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.
- Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
- Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe. Người điều khiển xe súc vật kéo phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường.
- Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
* Đi xe đạp qua đường an toàn:
- Các bước khi qua đường:
+ Giảm tốc độ
+ Dừng lại ở sát mép đường
+ Quan sát để chắc chắn là không có xe nào đang đến gần và có tín hiệu báo qua đường.
+ Qua đường vẫn luôn chú ý quan sát an toàn vì có thể những phương tiện giao thông bất ngờ xuất hiện, nếu không quan sát để tránh thì có thể va chạm với các em.
Không nên:
- Buông cả hai tay, đi xe bằng một tay hoặc đi xe bằng một bánh, không giữ được thăng bằng cho xe các em có thể bị ngã khi xe phanh gấp hoặc chuyển hướng.
- Đi xe dàn hàng ngang các em có thể gây cản trở cho các phương tiện giao thông khác đang lưu thông trên đường.
- Lạng lách, đánh võng, hay đuổi nhau. Các em sẽ không để ý quan sát các phương tiện khác để tránh các tình huống nguy hiểm, ngoài ra do đang đi xe với tốc độ cao các em khó có thể dừng xe lại ngay được.
- Sử dụng ô: Ô làm che khuất tầm nhìn của các em và có thể làm các em mất thăng bằng khi có gió mạnh.
- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác: Gây cản trở giao thông và dễ bị ngã, nhất là khi các em bám vào ôtô hay xe máy và những chiếc xe đó có thể tăng tốc bất ngờ hoặc chuyển hướng.
-
- Đối với người điều khiển người ngồi trên xe mô tô xe gắn máy: Điều 30 Luật GTĐB quy định:
- Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
+ Chở người bệnh đi cấp cứu;
+ Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
+ Trẻ em dưới 14 tuổi.
- Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
- Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Đi xe dàn hàng ngang;
+ Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
+ Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
+ Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;
+ Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
+ Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
- Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
+ Mang, vác vật cồng kềnh;
+ Sử dụng ô;
+ Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
+ Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
+ Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
* Cách ngồi an toàn trên xe máy, xe đạp an toàn
- Ngồi ổn định trên xe, không quay ngang, quay ngửa làm ảnh hưởng đến sự cân bằng của xe và sự tập trung của người lái xe.
- Bên cạnh đó để tránh bị chấn thương đầu khi xảy ra tai nạn các em phải luôn đội mũ bảo hiểm và cài dây quai đúng quy cách khi đi xe máy, xe đạp điện.
* Không nên:
- Đứng lên thanh để chân phía sau; Các em khó giữ được thăng bằng và dễ bị ngã khi xe phanh gấp hoặc chuyển hướng.
- Đứng hoặc ngồi phía trước người lái xe
- Chơi đùa trên xe hay quấy rầy người lái xe
- Ngồi quay lưng lại với người lái xe
Người điều khiển các phương tiện giao thông thường mắc các lỗi sau:
- Mạnh ai nấy đi, không phân biệt làn đường, vạch phân làn, phóng nhanh vượt ẩu không tuân theo các quy tắc giao thông đường bộ;
- Vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường một chiều;
- Sử dụng còi ở bất cứ nơi đâu, giờ nào trong thành phố;
- Vừa điều khiển phương tiện, vừa sử dụng điện thoại di động v.v…
Tâm lý đối phó với CSGT và các cơ quan chức năng còn phổ biến ở một số đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về ATGT
* Những tiêu chí của văn hóa giao thông
Nhiều nghiên cứu đã đưa ra các tiêu chí để nhằm xác định khái niệm văn hóa giao thông. Tiêu chí “3 có và 4 không” của văn hóa giao thông được nhiều ý kiến đồng tình nhất. Đó là:
NỘI DUNG 3 CÓ:
- Có hiểu biết đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT.
- Có ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường phải biết không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người khác.
- Có hành vi ứng xử hợp lý và đúng mực, có tình người trong các tình huống xảy ra trên đường, cư xử có văn hóa như: tham gia giao thông từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi khi va quệt. Gặp trường hợp người bị nạn cần giúp đỡ, chia sẻ kịp thời.
NỘI DUNG 4 KHÔNG:
- Không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện chưa đủ giấy tờ quy định.
- Không lấn chiếm: Lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT.
- Không có thói hư, tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra TNGT
- Không để xảy ra TNGT khi tham gia giao thông.
Như vậy, người có văn hóa khi tham gia giao thông trước tiên phải hiểu rõ về pháp luật và văn minh trong các hành vi của mình. Việc xây dựng văn hóa giao thông cần phải hình thành những thói quen tốt, thói quen bảo đảm an toàn, qua đó khơi dậy những nét thuần phong mỹ tục khi tham gia giao thông.