Bệnh truyền nhiễm là các bệnh có mầm bệnh là các vi sinh vật - virus vi khuẩn, vi nấm, các loại giun sán, ký sinh đơn bào. Các tác nhân vi sinh này có khả năng xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Bệnh truyền nhiễm là các bệnh như sốt virus, cúm, sởi, quai bị, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay - chân - miệng, thương hàn,
viêm màng não…
Bệnh này gia tăng nhanh trong những năm gần đây và có nguy cơ cao thành các đợt dịch bệnh lớn, đe dọa sức khỏe con người. Thời tiết ẩm thấp là điều kiện thuận lợii cho các bệnh truyền nhiễm phát triển. Trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ có thể trạng suy dinh dưỡng (thấp còi, nhẹ cân) dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa (tay chân miệng, thương hàn), qua đường tiếp xúc (sởi, thủy đậu,, viêm màng não, cúm, sốt virus, quai bị…), lây do muỗi vằn đốt hút máu người bệnh truyền sang người lành (sốt xuất huyết).
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mọi người cần thực hiện những việc vô cùng đơn giản sau đây:
Tiêm vắc-xin: Là biện pháp chủ động tạo miễn dịch cho người có khả năng bị lây nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh. Việc tiêm phòng phải được thực hiện khi người còn khỏe mạnh và theo lịch tiêm phòng. Tỉ lệ người tiêm phòng càng cao, số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn và bệnh càng khó lây truyền. Các bệnh truyền nhiễm sau đây đã có vắc – xin phòng bệnh: Thủy đậu, cúm, sởi, quai bị, thương hàn, viêm màng não, viêm gan A, viêm gan B….
Giữ vệ sinh cá nhân: Hàng ngày cần thực hiện rửa tay bằng xà phòng theo quy trình 6 bước trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật. Giữ vệ sinh răng miệng. Tắm rửa thường xuyên phòng bệnh viêm nhiễm trên da. Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đi đường và khi đến chỗ đông người. Thường
xuyên ngủ màn.
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn các thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi, đã được lọc hoặc xử lý; bảo quản thức ăn đã chế biến một cách phù hợp (như bảo quản lạnh); ngăn không cho ruồi nhặng đậu vào thức ăn; không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín. Các biện pháp này giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn…
Vệ sinh môi trường: Nhằm ngăn ngừa sự lây truyền của các bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua vết đốt côn trùng. Cần loại bỏ chỗ sinh sản của muỗi truyền sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền khác. Cung cấp nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Cần thu gom và xử lý rác thải, xử lý các chất thải của người và động vật hợp vệ sinh. Nuôi cá diệt bọ gậy, phun những hóa chất diệt muỗi, ruồi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước và các vật thải rắn để hạn chế nơi sinh sản của muỗi.
Khi học sinh có các dấu hiệu bất thường sau đây thì GVCN và gia đình cần thông báo ngay cho nhân viên y tế trường học để phối hợp chuyển tuyến kịp thời tránh dịch bệnh lan truyền trong trường học:
- Sốt cao đột ngột 39-400C liên tục, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu vùng trán nhiều, nhức hai hốc mắt, đau mỏi toàn thân, da khô nóng đỏ, có các dấu hiệu xuất huyết (Bệnh Sốt xuất huyết);
- Sốt cao 39-400C, khi sốt giảm ban mọc theo thứ tự từ gáy, sau tai, lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân, mắt đỏ, chảy nước mắt, nước mũi, ho, tiêu chảy (Bệnh Sởi);
- Sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối, đặc biệt các dấu hiệu thần kinh hoặc tim mạch như sốt cao, giật mình, da nổi vân tím,... (Bệnh tay chân miệng);
- Sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu. nổi hồng ban có kích thước vài mm, sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau 24 giờ thì hóa đục, bóng nước gây ngứa dữ dội, bóng nước xuất hiện ở thân mình, sau đó tiến đến vùng đầu mặt, tay chân (Bệnh Thủy đậu).
Khi bị mắc bệnh truyền nhiễm, người bệnh cần đến khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân chóng hồi phục, tránh diễn biến nặng và tránh nguy cơ tử vong, giảm sự lây truyền bệnh ra cộng đồng.