Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn lây truyền qua đường hô hấp - vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Bệnh xảy ra quanh năm, tuy nhiên phổ biến hơn là vào mùa đông xuân. Đây là bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng có tỷ lệ tử vong rất cao, những bệnh nhân sống sót để lại di chứng nặng nề do tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, các giác quan như thị giác, thính giác và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tâm sinh lý bệnh nhân. Tất cả mọi người khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh viêm màng não mô cầu nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 6 căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân. Bệnh được chia thành 4 nhóm A, B, C, D nhưng ở nước ta, viêm màng não mô cầu nhóm A là thường gặp nhất.
1. Đường lây truyền của bệnh: Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra.
Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa Đông - Xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.
2. Biểu hiện của bệnh:
Triệu chứng bệnh: Bệnh viêm não mô cầu khó phát hiện, nhất là trong giai đoạn sớm vì triệu chứng của bệnh giống các triệu chứng của viêm não siêu vi. Bao gồm sốt cao 390C – 400C, đau đầu dữ dội , buồn nôn, ói, cáu gắt, đau đầu, chóng mặt, chảy nước mũi. Khi khởi phát có thể có biểu hiện xuất hiện ban đỏ vùng da mỏng, cứng gáy, đau cổ, sợ ánh sáng, co giật kiểu động kinh, mất ý thức và rối loạn cảm giác.
Thời gian ủ bệnh từ 2 - 10 ngày, thông thường từ 3 - 4 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
3. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu: Ai cũng có thể mắc bệnh viêm não mô cầu tuy nhiên người dưới 30 tuổi đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
4. Cách phòng tránh bệnh:
Để chủ động phòng tránh bệnh viêm màng não do não mô cầu người dân cần thực hiện tốt các các biện pháp sau:
1. Tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, nơi có ổ dịch cũ về bệnh do não mô cầu và các biện pháp phòng chống.
2. Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
3. Thực hiện vệ sinh thông khí: Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, học tập hàng ngày.
4. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh não mô cầu.
Hiện nay vắc xin phòng viêm não mô cầu là vắc xin dịch vụ chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy tỷ lệ tiêm phòng vắc xin này chưa cao. Trong khi đó, không cần phải nằm trong khu vực có dịch bệnh, người dân đặc biệt là trẻ nhỏ có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào. Vì vậy, bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và giữ vệ sinh nơi sinh sống thì Phòng bệnh bằng vắc xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất: Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Ở Việt Nam có vắc xin phòng não mô cầu tuýp A và C được tiêm cho trẻ từ 24 tháng tuổi và nhắc lại 03 năm 01 lần.
5. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh: có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cổ cứng… cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời giảm thiểu biến chứng nguy hiểm và tử vong. Đồng thời cần thông báo cho cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người xung quanh.