TRƯỜNG TIỂU HỌC THẠCH BÀN A
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH HỌC ĐƯỜNG
Cách bảo vệ mắt cho trẻ khi học trực tuyến
Khi dịch Covid-19 kéo dài khiến học sinh phải ở nhà học theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh những bất tiện về môi trường học tập, đường truyền mạng không ổn định thì nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em, khi các em phải chăm chú nhìn màn hình thiết bị điện tử. Thời gian sử dụng máy tính dài cùng số lần hoạt động ngoài trời bị giảm sẽ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ em.
Do vậy, để bảo vệ đôi mắt cho con, phụ huynh cần lưu ý một số biện pháp để giảm tác động xấu tới mắt khi con học trực tuyến.
Điều chỉnh cài đặt hiển thị trên máy tính: Để tránh cho mắt phải điều tiết quá nhiều, hãy điều chỉnh độ sáng của màn hình để phù hợp với môi trường xung quanh, không nên chỉnh quá sáng hoặc quá tối. Phụ huynh nên trang bị đèn bàn hoặc đèn rọi màn hình để tránh việc màn hình quá sáng so với khu vực bên cạnh.
Việc học trước máy tính quá lâu sẽ gây hại mắt, có nguy cơ
dẫn đến cận thị sớm ở trẻ em
Ngồi đúng tư thế: Việc tiếp xúc thường xuyên với máy tính trong khoảng cách quá gần sẽ ảnh hưởng đến thị lực của mắt. Khi ngồi trước máy tính, trẻ nên ngồi thẳng lưng, vai hóp lại và mông chạm vào cuối ghế. Không ngồi khoanh chân vì điều này sẽ làm hạn chế lưu lượng máu. Góc nhìn màn hình nên chếch góc 15 độ, không được để ngang mặt hay cao quá đối với trẻ. Cự li khi sử dụng màn hình nên là 1,5 lần đường chéo của màn hình đó, tức là khoảng 60 – 80 cm với laptop và desktop. Còn với thiết bị Ipad hay điện thoại thông minh thì cự li sẽ phải gần hơn nhưng phụ huynh nên hạn chế cho con sử dụng các thiết bị này vì màn hình quá bé, gây mỏi mắt.
Giữ màn hình sạch sẽ: Thường xuyên vệ sinh, lau chùi bằng các dung dịch chuyên dụng để giữ cho màn hình máy tính được sạch sẽ, tránh bụi bẩn bay vào mắt khi tiếp xúc gần.
Để mắt nghỉ ngơi: Đôi mắt phải hoạt động, điều tiết liên tục cả ngày khi làm việc trước máy tính nên rất dễ rơi vào tình trạng nhức mỏi, đỏ, khô ngứa…Bên cạnh đó còn do tác hại của việc chiếu sáng kém hoặc quá nhiều, kèm với các tia phản xạ từ màn hình; khoảng cách nhìn không đúng, ngồi sai tư thế. Mắt có tật khúc xạ: Viễn thị, loạn thị, lão thị hay các rối loạn về điều tiết; giảm lượng nước mắt đến giác mạc do giảm số lần chớp mắt hoặc bị khô mắt. Để bảo vệ mắt, trẻ cần ngồi giãn cách trước màn hình, nghỉ ngơi xen kẽ. Sau 2 giờ làm việc với máy tính, trẻ nên nghỉ 15 phút, sau một giờ học nên nghỉ 5 phút. Mỗi học sinh cần chú ý đến mức độ chiếu sáng và tăng độ tương phản, không nên để máy tính ở gần cửa sổ hay nguồn sáng mạnh, gây lóa mắt trẻ.
Không nheo mắt, liếc mắt: Máy vi tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh đều có chức năng phóng to để bạn có thể đọc dễ dàng hơn.
Đảo mắt: Làm việc quá tập trung khiến mắt căng và mỏi. Mở mắt to và đào mắt sẽ là bài tập thư giãn rất tốt cho mắt.
Hấp thụ ánh sáng tự nhiên ở ngoài trời: Hoạt động ngoài trời là một trong những cách bảo vệ đôi mắt hiệu quả nhất, đặc biệt đối với căn bệnh cận thị. Trong các nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Singapore, người ta thấy rằng trẻ em ở ngoài trời nhiều hơn có xu hướng ít bị cận thị hơn. Vì vậy, hãy để trẻ dành thời gian ở ngoài trời, nhìn những vật ở xa là rất quan trọng.
Bảo vệ mắt khi ngủ: Nên hạn chế ánh sáng tối đa bởi vì ánh sáng kích thích thị giác, tạo hưng phấn vỏ não gây khó ngủ. Nên mở cửa sổ cho thông thoáng vì lúc ngủ mắt cũng cần oxy để “thở”.
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ: Chế độ ăn uống cân bằng tốt là vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với trẻ em. Tất cả các vitamin và vi chất dinh dưỡng đều quan trọng đối với cơ thể, nhưng một số vitamin và vi chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với mắt. Chúng bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin E, lutein và axit béo omega. Các chất này có tự nhiên trong các thực phẩm cà rốt, củ dền, xoài, đu đủ, trái cây họ cam quýt, rau lá xanh, hạnh nhân, quả óc chó, trứng, cá... Tốt nhất nên cho trẻ ăn những loại vitamin này ở dạng tự nhiên hơn là cung cấp các chất bổ hoặc thực phẩm chức năng.
Giai đoạn này, cha mẹ nên cân đối, bổ sung dinh dưỡng cho mắt của trẻ. Rau, củ, quả màu đỏ hoặc vàng nên được ăn nhiều. Hải sản, các loại cá rất tốt cho mắt và não.
Cho trẻ đi khám mắt định kỳ: Phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ từ 3 đến 6 tháng 1 lần tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và tư vấn chế độ học tập, sinh hoạt một cách phù hợp nhất. Đeo sai số kính cũng là một nguyên nhân khiến mắt nhức mỏi.