Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kì hội nhập và phát triển, toàn cầu hóa. Do đó, việc tiếp cân, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong giáo dục là một việc làm hết sức cần thiết.Trong năm học 2017 – 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Ngày hội Công nghệ thông tin lần thứ IV nhằm tạo ra sân chơi cho giáo viên đến từ khắp các quận, huyện của Thủ đô cùng nhau giao lưu, học hỏi, chia sẻ về các phần mềm, các bài giảng E-learning, các kho học liệu liên quan đến dạy và học. Hòa cùng không khí thi đua sôi nổi đó, trường Tiểu học Thạch Bàn A đã tích cực hưởng ứng tham gia và lựa chọn một số sản phẩm có tính hữu ích sự thi Ngày hội Công nghệ thông tin cấp Quận. Trong đó, bài giảng E-learning “Tò he – Nét văn hóa dân gian đặc sắc” của cô giáo Hoàng Lệ Giang đã đạt giải Nhì cấp Quận. Đây là một bài giảng không chỉ hướng đến đối tượng là học sinh mà còn hướng đến nhiều đối tượng khác. Khi thiết kế bài giảng này, cô Giang mong muốn đưa những nét văn hóa dân gian đặc sắc, đặc biệt là tò he đến gần hơn với thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa ấy trong nhịp sống hiện đại.
Trong quá trình thiết kế bài giảng, cô Giang đã tìm hiểu kĩ để lựa chọn các phần mềm hỗ trợ, xây dựng nội dung, cấu trúc bài học sao cho hợp lí, dễ hiểu đối với người học. Ngoài ra cô cũng rất chú trọng việc lựa chọn các nguồn tư liệu đảm bảo tính chính xác, khoa học nhằm giúp người học tiếp cận với kiến thức một cách dễ dàng, hiệu quả nhất. Đặc biệt, các gói bài tập và phần trò chơi được cô đưa vào bài học một cách nhẹ nhàng, không quá phức tạp, tạo sự trải nghiệm, tương tác thú vị cho người học khi tiếp cận với bài giảng.
Qua việc trực tiếp trải nghiệm với bài giảng E-learning “Tò he – Nét văn hóa dân gian đặc sắc” mà cô giáo Hoàng Lệ Giang đã thiết kế trong Ngày hội Công nghệ thông tin lần thứ IV, tôi càng nhận thấy bài giảng E-learning là một công cụ truyền tải kiến thức, thông tin vô cùng hữu hiệu. Tôi hi vọng rằng sẽ có thêm nhiều bài giảng nữa được thiết kế để tính ứng dụng của nó trong thực tế được lan tỏa sâu, rộng hơn.