Hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 hàng năm và Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12. Hôm nay, ngày 29/11/2021, trường Tiểu học Thạch Bàn A tổ chức tháng hành động thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Năm nay, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm lựa chọn với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19
là chung tay đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS
Việc lựa chọn chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hàng năm luôn là một trong những điểm nhấn như là định hướng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để đạt được mục tiêu Chiến lược kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Vậy tại sao năm 2021, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm lựa chọn chủ đề này?
Nguyên nhân là do hiện nay dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến người nhiễm HIV và chương trình phòng, chống HIV/AIDS nên các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để tránh gia tăng các ca nhiễm nhiễm HIV do gián đoạn dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong Covid-19.
Tại Việt Nam, với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS làm cho nhiều khách hàng khó tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng. Theo báo cáo từ các địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này rất có thể là do các tác động của dịch Covid-19 lên chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua.
Tuyên truyền Hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 và Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 cho học sinh toàn trường thông qua tiết chào cờ trực tuyến ngày 29/11/2021
Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19 như xây dựng và ban hành kịp thời các hướng dẫn đáp ứng khẩn cấp để duy trì tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: Hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV; Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; Đáp ứng khẩn cấp trong lĩnh vực điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm cả cấp thuốc cho người bệnh mang về và điều trị ARV (cấp thuốc nhiều tháng cho người bệnh) v.v...
Dự báo dịch Covid-19 có thể còn kéo dài và chúng ta có thể sẽ sống chung với dịch Covid-19 trong tình hình mới, do vậy song song với phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương cần tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19 để tránh gia tăng các ca nhiễm nhiễm HIV do gián đoạn dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Đẩy mạnh tuyên truyền trong Tháng Hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS là chúng ta đã góp phần cùng cộng đồng thực hiện quyết tâm vượt qua đại dịch Covid-19 và tiến tới kết thúc đại dịch AIDS trong thời gian sớm.