Thực hiện kế hoạch của UBND quận Long Biên về việc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương quận Long Biên năm học 2020 – 2021. Sáng ngày 31/10/2020, trường Tiểu học Thạch Bàn A đã tổ chức cho HS khối lớp 3 của trường tham quan di tích lịch sử tại 2 điểm là đình Bắc Biên và đình Lệ Mât.
Qua chuyến tham quan lần này, các em học sinh đã tiếp thu được những kiến thức bổ ích, lí thú, góp vào hành trang kiến thức của mình về di tích lịch sử văn hóa địa phương, về truyền thống đấu tranh kiên cường của cha ông. Đồng thời buổi tham quan cũng góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, từ đó khơi dậy trong các em lòng tự hào và ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Nhà trường đã nhận được hơn 170 bài thu hoạch của các em học sinh khối 3. Các em vô cùng háo hức và sáng tạo từ nhiều hình thức bài thu hoạch: vẽ tranh màu, tranh xé dán, tranh gạo, bài văn xuôi, thơ,…. Nhà trường đã chọn ra 6 bài thu hoạch tiêu biểu để gửi đi dự thi cấp Quận.
Nhà trường đã nhận được 1 giải Nhất và 2 giải Nhì về bài thu hoạch lịch sử địa phương.
Giải Nhất thuộc về em Vũ Bảo Châu, học sinh với 3C với tác phẩm dự thi là “tranh gạo – đình Bắc Biên”. Giải Nhì là “tranh xé dán – đình Lệ Mật” của em Hoàng Thành Long lớp 3C. Giải Nhì tiếp theo thuộc về em Đàm Thị Thanh Lam, học sinh lớp 3B với bài viết: “Tự hào quê hương thờ vi anh hùng.”
Học sinh Bảo Châu chia sẻ về ý tưởng và nội dung bài thu hoạch của mình: Tranh gạo đình Bắc Biên của em được làm từ nguyên liệu khá quen thuộc, đó là “gạo”. Để cho bức tranh sinh động, nhiều màu sắc em đã rang gạo lên, đồng thời giúp cho bức tranh giữ màu lâu và tự nhiên. Bức tranh của em có ba tông màu chủ đạo: màu vàng từ gạo rang, màu trắng từ gạo tẻ, màu nâu và đen từ gạo lứt. Để làm ra bức tranh gạo, em chuẩn bị nguyên liệu chính bút chì, keo sữa, keo 502 và đặc biệt là các loại gạo rồi thực hện theo 5 bước: chọn nguyên liệu – xử lý gạo – vẽ phác thảo tranh – đổ nền cho tranh – hoàn thành bức tranh. Với tông màu chủ đạo là vàng nhạt, hình ảnh cổng đình được phối màu đen và màu nâu càng làm nổi bật vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của nó. Mái ngói rêu phong được em chắp ghép từ những hạt gạo màu nâu sẫm. Các góc mái được tạo hình rồng vàng uốn lượn bây lên. Cánh cửa của đình em xếp các hạt gạo đen và nâu đan xen, càng làm nổi bật lên vẻ đẹp cổ kính của đình. Tranh gạo không chỉ gợi nhớ quê hương, đất nước qua những chủ đề đình làng cổ kính, mà còn bởi trong hạt gạo đã chứa cả hồn quê – “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy/ Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi hôm nay…”.
Em Thành Long chia sẻ rằng: Kết thúc chuyến đi học tập tham quan lịch sử địa phương,em đã làm một bức tranh xé dán về đình Lệ Mật. Những tờ giấy báo, tờ bìa, tờ tạp chí…tưởng chừng không có giá trị ấy xuất hiện cùng lúc trường em đi học lịch sử địa phương. Em đã có suy nghĩ tại sao mình không dùng những vật liệu như vậy để làm một sản phẩm giúp ích cho con người lại vừa bảo vệ môi trường. Với những gam màu bình dị được lấy từ các tờ báo, tờ bìa cũ đã tạo nên một bức tranh vô cùng cổ kính về ngôi đình trang nghiêm và cổ kính này. Để trang trí cổng đình, em xé những mảnh giấy, chắp ghép các mảnh giáy với gam màu chủ đạo là vàng. Nền sân đình nổi bật với những mảnh giấy màu xanh dương. Trên sân đình, em xé dán các bạn nhỏ và người dân đang vui chơi, tham quan nơi đây. Trong các tiết học mĩ thuật ở trường, em đã được cô giáo dạy làm tranh xé dán rất nhiều. Em rất yêu thích và ấn tượng với loại tranh này. Nó không những giúp cho chúng em có được một bức tranh đặc biệt mà còn rèn cho chúng em đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận.
Nhân dân Long Biên luôn tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là những giá trị truyền thống được nâng nên thành bản sắc văn hoá dân tộc. Để đến ngày nay, khi nhìn lại cội nguồn lịch sử, chúng ta cần tìm hiểu về các làng quê trên mảnh đất tràn đầy hào khí này. Các em học sinh khối 3 nói chung và toàn thể học sinh trường TH Thạch Bàn A đều thấy chuyến tham quan đình Bắc Biên, đình Lệ Mật rất bổ ích. Buổi đi học lịch sử địa phương này đã giúp các con học sinh biết thêm rất nhiều về lịch sử địa phương, các anh hùng dân tộc, những người có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Học sinh thêm trân trọng, tự hào về quê hương mình, đất nước mình.