Thực hiện Kế hoạch số 423/KH-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2018 của UBND quận Long Biên về triển khai Kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018.
Hôm nay, ngày 03/12/2018 nhà trường tổ chức buổi tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018 với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Mục đích giúp các thầy cô giáo và các em học sinh hiểu rõ hơn đại dịch này, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và giúp mọi người phòng tránh có hiệu quả HIV/AIDS.
|
Hiện nay đại dịch HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe, con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu. Nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự và an toàn xã hội đe dọa sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đáng lo ngại hơn là HIV/AIDS đang lan tràn mạnh mẽ ở khắp các vùng miền từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi của đất nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới.
Hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS. Vì vậy biết cách tự phòng cho mình và cho cộng động cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay.
Như chúng ta đã biết, đại dịch AIDS không chỉ gây ra hậu quả lớn về kinh tế xã hội mà còn để lại bao nỗi bất hạnh cho bản thân người nhiễm HIV và gia đình. HIV là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể tấn công bất kì ai, lây nhiễm HIV không phân biệt tuổi tác, gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội …Bất kì ai nếu không hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không thực hiện các hành vi an toàn đều có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS.
Vậy HIV/AIDS là gì?
- HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người. Có nghĩa là nếu bị nhiễm phải nó khả năng chống bệnh tật của cơ thể sẽ suy yếu đi.
- AIDS là hội chứng suy giảm miễm dịch mắc phải. Là khả năng chống bệnh bị suy yếu đến nỗi cơ thể bị các bệnh hoành hành đều không điều trị khỏi được. Từ khi phát bệnh AIDS đến chết chỉ vài tháng hoặc nhiều nhất là 2 năm. Những người nhiễm HIV chủ yếu qua các con đường khác nhau: 49% bị nhiễm qua đường máu, 38% qua đường tình dục, 3% qua đường mẹ sang con và 10% không rõ đường lây. Tỉ lệ người bị nhiễm là nam chiếm 70,8%, nữ chiếm 28,2%, ở nhóm tuổi từ 20 -39 (chiếm 82%), trẻ em dưới 15 tuổi chiếm gần 3%. Hiện nay các biện pháp phòng chống HIV/AIDS chưa được nhiều người quan tâm.
Các biện pháp phòng lây nhiễm HIV:
+ Qua đường máu: Không dùng chung bơm kim tiêm, nên sử dụng bơm kim tiêm dùng 1 lần rồi bỏ, hạn chế truyền máu; không dùng chung những vật xuyên qua da và niêm mạc như dao cạo râu, kim xăm mình, kim xuyên qua lỗ tai…khi đi cắt tóc không nên sử dụng chung lưỡi dao cạo.
+ Qua đường tình dục: Không nên quan hệ tình dục bừa bãi, sống chung thủy là cách phòng tránh hữu hiệu nhất.
+ Phòng nhiễm từ mẹ sang con: Người phụ nữ bị nhiễm HIV muốn sinh con phải đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng tránh lây nhiễm HIV cho con.
- Mỗi người trong cộng đồng nói chung và học sinh chúng ta nói riêng phải hiểu biết sâu sắc về bản chất của đại dịch HIV/AIDS, biết cách tự phòng tránh cho mình và cộng đồng, biết tự chăm sóc mình và người thân khi nhiễm HIV/AIDS nhằm góp phần khống chế đại dịch này.
- Người nhiễm HIV/AIDS vẫn khỏe mạnh trong nhiều năm đầu, họ có thể sống chung với gia đình và làm việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì thế chúng ta:
- Không nên phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS.
- Sự phân biệt kỳ thị làm cho người nhiễm HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dễ dẫn đến cô đơn, mặc cảm, suy sụp tinh thần và thậm chí có thể tự vẫn hoặc phạm tội. Hãy quan tâm, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS và cùng nhau bảo vệ cộng đồng.
- Để hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS và tiếp tục thực hiện chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virut ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác); các cấp, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng chống HIV/AIDS; các gia đình, tổ chức xã hội cần tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời người nhiễm HIV/AIDS cần tăng cường trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội.
Hình ảnh “Góc truyền thông sức khỏe” của trường