Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó xác định Giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên. Việc chuyển đổi số trong giáo dục thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Xã hội số. Có hai nội dung chính cần tập trung trong việc chuyển đổi số, đó là: Chuyển đổi số trong quản lý và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá.
Những năm gần đây, ngành giáo dục rất quan tâm đến việc ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy. Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả. Nắm bắt được vấn đề cần thiết, quan trọng về việc ƯDCNTT trong dạy học BGH trường TH Thạch Bàn A đã tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thứ về ƯDCNTT và chuyển đối số tới toàn thể CBGVNV nhà trường.
Trong các buổi họp, nhà giáo Nguyễn Thị Thúy Mai - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường đã chỉ ra tác động của chuyển đổi số trong giáo dục cũng như thực trạng của việc chuyển đổi số trong các nhà trường; những khó khăn, thách thức khi thực hiện chuyển đổi số. Từ đó lãnh đạo nhà trường xây dựng mục tiêu chuyển đổi số và đưa ra các giải pháp để thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số trong nhà trường đã diễn ra nhưng đó vẫn là việc làm mang tính tự phát, chưa có sự kết nối, liên thông và chỉ dừng lại ở một số khía cạnh công việc của nhà trường, chưa mang tính tổng thể, đồng bộ. Chuyển đổi số trong nhà trường được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm như: quản lý điểm, mã định danh học sinh, giáo viên: truong.csdl.moet.gov.vn; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá công chức: TEMIS; phần mềm cho kế toán tài chính: MISA, hỗ trợ kê khai thuế; Truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh: Zalo, SMS, Enet,....
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cũng gặp những khó khăn, thách thức:
- Sự thận trọng trong việc đổi mới.
- Hạn chế về kiến thức tin học phổ thông, kĩ năng sử dụng các phần mềm.
- Tài chính là một trong những khó khăn lớn đối với các nhà trường công lập trong vấn đề cân nhắc và lựa chọn các phần mềm ứng dụng hiệu quả.
- Thiếu sự hướng dẫn và chiến lược chuyển đổi số.
Năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 là 3 năm học nhiều khó khăn với thầy và trò trường Tiểu học Thạch Bàn A. Đại dịch Covid bùng phát làm xáo trộn việc dạy của giáo viên lẫn việc học của học sinh. Nhà trường cũng đã có những bối rối trong năm học đầu tiên dạy học trực tuyến và vững vàng hơn trong 2 năm học tiếp theo. Thực sự, dạy học trực tuyến là cơ hội để thay đổi nhận thức, kĩ năng chuyển đổi số của đội ngũ giáo viên nhà trường và năng lực số của học sinh. Năm học 2022-2023, học sinh trở lại trường học bình thường, BGH trường Tiểu học Thạch Bàn A xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số cho năm học này cũng như các năm học tiếp theo, đó là:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng các phần mềm, công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.
- Xây dựng môi trường làm việc, môi trường học tập thông minh trên nền tảng số.
- Qua các tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin góp phần thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực.
- Giúp giáo viên, học sinh tiếp cận, làm quen và làm chủ công nghệ số.
- Tiến hành chuẩn hóa hệ thống phần mềm chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động dạy và học sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo tính khả thi.
Dựa trên những mục tiêu đó, nhà trường mạnh dạn áp dụng một số giải pháp như sau:
- Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT vào dạy học, thực hành.
Giáo viên trao đổi, hướng dẫn ƯDCNTT trong dạy học qua các buổi SHCM
- Chuẩn bị đội ngũ nhân lực; tăng cường quản lí việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kĩ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về công nghệ thông tin.
GV áp dụng phần mềm được bồi dưỡng CNTT vào trong thiết kế bài dạy
- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng áp dụng công nghệ mới.
- Xây dựng trang thông tin riêng mang tính thương hiệu của nhà trường như: trang Website (ththachbana.longbien.edu.vn) , Facebook (Trường Tiểu học thạch bàn A https://www.facebook.com/tieuhocthachbana) , Zalo….
Cổng thông tin điện tử trường TH Thạch Bàn A
Trang Facebook của trường
- Thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục, tìm nguồn tài trợ tích cực trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập.
Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy học, phòng chống dịch trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện giai đoạn tiếp theo. Vẫn biết, chuyển đổi số không phải là công việc một sớm, một chiều song với sự nỗ lực, tinh thần cầu thị, quyết tâm, trường Tiểu học Thạch Bàn A sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số tạo sự phát triển bền vững./.