Phòng chống bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ em
Cong vẹo cột sống ngày càng được xem là một bệnh phổ biến trong độ tuổi học đường. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lâu dần sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc xương cột sống của trẻ, dần dần sẽ bị vẹo/lệch sang một bên có thể làm giảm hoặc mất khả năng lao động, học tập và sinh hoạt.
Hôm nay, cô sẽ tuyên truyền cách phòng chống bệnh cong vẹo cột sống để giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống bệnh.
1. Khái niệm về bệnh cong vẹo cột sống:
- Cong vẹo cột sống là những bất thường của cột sống bị cong về bên trái hoặc bên phải. Bệnh thường xảy ra từ độ tuổi 8-14 tuổi, do lúc này xương vẫn đang trong quá trình phát triển. Dưới một tác nhân nào đó (ngồi học không đúng tư thế, mang cặp sách quá nặng, bàn học không đúng tiêu chuẩn) gây áp lực lên cột sống khiến cột sống không phát triển bình thường mà bị cong sang một bên.
- Có 2 loại cong vẹo cột sống: Cong cột sống và vẹo cột sống.
* Cong cột sống: có 4 hình thái
- Gù: Đoạn cổ và lưng cong quá nhiều.
- Ưỡn: Đoạn thắt lưng cong quá nhiều.
- Còng: Đoạn thắt lưng cong ngược ra trước.
- Bẹt: Đoạn thắt lưng không còn độ cong sinh lý.
* Vẹo cột sống: Nhìn từ phía sau, nếu cột sống lệch sang bên trái hoặc bên phải. Thường gặp 2 dạng:
- Vẹo đều sang bên trái hoặc bên phải, chỉ có 1 đoạn cong (hình chữ C).
- Vẹo với 2 đoạn cong đối lập nhau (hình chữ S).
Trên thực tế cong cột sống chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, còn đại đa số là vẹo cột sống.
2. Nguyên nhân:
- Ngồi học không đúng tư thế (ngồi học không ngay ngắn, nằm, quỳ, nghiêng khi học bài).
- Kích thước bàn ghế không phù hợp (quá cao hay quá thấp, quá chật, thiếu chỗ ngồi học) gây áp lực lên cột sống khiến cột sống không phát triển bình thường mà bị cong sang một bên.
- Lao động quá nặng, quá sớm, đeo cặp sách quá nặng hoặc không đều 2 bên vai hoặc cắp cặp vào nách.
- Do bệnh tật, tai nạn, mắc bệnh còi xương, suy dinh dưỡng. Cong vẹo cột sống chủ yếu mắc phải trong quá trình học tập, còn bệnh tật chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Trên thế giới, ước tính cứ khoảng 40 em học sinh thì có 1 em bị mắc bệnh cong vẹo cột sống với những mức độ nặng nhẹ khác nhau.
3. Tác hại của bệnh cong vẹo cột sống:
- Gây lệch trọng tâm cơ thể làm cho học sinh ngồi học không được ngay ngắn. Gây cản trở cho việc đọc, viết. Gây căng thẳng thị giác và làm trí não kém tập trung. Do đó gây ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập.
- Cong vẹo cột sống còn gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi và sự phát triển của xương chậu (đặc biệt đối với các bé gái sẽ gây ảnh hưởng đến sinh đẻ khi trưởng thành).
- Gây lệch vai không cân đối, bước đi không đều ảnh hưởng đến thẩm mĩ.
4. Cách phòng chống cong vẹo cột sống:
- Giữ tư thế ngồi học đúng tư thế, lưng thẳng, đầu ngẩng.
- Bàn ghế, bảng phải phù hợp với tầm vóc học sinh.
- Hạn chế cho trẻ mang vác những vật nặng, không nên xách cặp hoặc đeo cặp quá nặng 1 bên vai, nên đeo cân 2 vai.
- Lao động và tập luyện vừa sức, cân đối.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để hệ xương của trẻ phát triển chắc khỏe. Hàng ngày, trẻ nên ăn nhiều rau xanh, bổ sung canxi bằng cách ăn cua, tôm, uống sữa….
*Ngồi học đúng tư thế, bàn ghế đúng kích thước, không mang vác nặng là cách phòng chống bệnh cong vẹo cột sống tuổi học đường tốt nhất cho các em học sinh.
Vừa rồi cô đã tuyên truyền đến các em học sinh về cách phòng chống bệnh cong vẹo cột sống. Cô hy vọng rằng qua buổi tuyên truyền hôm nay sẽ đem lại cho các em những hiểu biết quý báu về bệnh cong vẹo cột sống. Từ đó các em sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, giúp cho chúng ta học tập, lao động và sinh hoạt tốt hơn!