Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên là một trong những công tác quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng dân số. Vì vậy, công tác này cũng đang được thực hiện ở các trường phổ thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của học sinh về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân.
Những năm qua, trẻ vị thành niên, thanh niên Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho lứa tuổi này và vẫn có trẻ em bị xâm hại.
Ở nhiều nơi, việc học sinh mang thai ngoài ý muốn đã xảy ra và kéo theo những hệ lụy không nhỏ về sau. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm, không có sự truyền thông giáo dục vì thói quen, tập quán ngại chia sẻ những kiến thức liên quan về giới, về sức khỏe sinh sản của người lớn với trẻ vị thành niên.
Để trang bị những kiến thức rất bổ ích về sức khỏe giới tính hay sự biến đổi tâm sinh lý của học sinh, nhà trường đã đã tích hợp nội dung tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong các tiết học, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa ... để các em có kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bản thân.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức Ban Tư vấn tâm lý học đường tư vấn tất cả các vấn đề liên quan đến tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản và những thắc mắc về giới của học sinh.
Và để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho cán bộ giáo viên nhân viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm – người luôn đồng hành cùng các em trong mọi hoạt động trong trường, ngày 03/4/2023 trường Tiểu học Thạch Bàn A đã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em.
Tại buổi tập huấn, các cán bộ giáo viên nhân viên được nghe cô Nguyễn Thị Thúy Mai – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ những nội dung về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên; một số vấn đề khi bước vào tuổi dậy thì mà các em học sinh thường quan tâm; đặc điểm tâm lý tuổi vị thành niên; cách vệ sinh hàng ngày và vệ sinh kinh nguyệt…
Cán bộ giáo viên nhân viên tìm hiểu đặc điểm sinh lý tuổi vị thành niên
Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Thúy Mai cũng chia sẻ nguy cơ và cách phòng tránh xâm hại trẻ em. Theo cô, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Tác hại của việc xâm hại là làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khỏe trẻ; gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội; làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em, của dân tộc; làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục; gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta. Cô hướng dẫn kỹ năng phòng tránh xâm hại theo Nguyên tắc “vùng đồ bơi”, “Quy tắc bàn tay”; dấu hiệu cảnh báo xâm hại: cảnh báo nhìn, cảnh báo nói, cảnh báo sờ, cảnh báo ôm, cảnh báo khi ở nhà một mình dễ bị bắt cóc và các bước cần xử lý khi bị xâm hại: bước 1: Nói “không” với những cảnh báo từ bất cứ ai, bước 2: sau khi nói “không” thì bỏ chạy về phía một người lớn khác, hoặc hãy chạy ra chỗ có người, bước 3: hãy kể chính xác vị trí bị chạm vào với bố, mẹ, người thân.
Một trong những kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em là “Quy tắc bàn tay”
Cô Nguyễn Thị Thúy Mai hướng dẫn các bước cần xử lý khi bị xâm hại
Tập huấn bồi dưỡng kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em là hoạt động bổ ích, giúp cho cán bộ, giáo viên nhân viên có thêm kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh để các em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tránh bị xâm hại đến bản thân./.