Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Vì vậy, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ sống còn của nhân loại, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, là cơ sở cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị - xã hội và hợp tác quốc tế. Ý thức được điều đó, Đảng và Nhà nước ta đã sớm ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Hiến pháp 1992 đã có nhiều quy định về bảo vệ môi trường, như quy định tại Điều 29: "Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường". Đến Hiến pháp 2013 hiện hành, các quy định về bảo vệ môi trường càng nhiều hơn và cụ thể hơn, như Điều 43: "Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường". Các luật riêng về bảo vệ môi trường cũng đã được ban hành từ rất sớm, như Luật bảo vệ môi trường 1993, Luật bảo vệ môi trường 2005, và Luật bảo vệ môi trường 2014 hiện hành.
Luật bảo vệ môi trường 2014 hiện nay đã khắc phục được các bất cập trong chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường trước đây như chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế; sự tồn tại của những quy định chồng chéo, thiếu tính đồng bộ giữa pháp luật về bảo vệ môi trường với pháp luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường 2014 thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường 2005 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2015.
Luật bảo vệ môi trường năm 2014 được xây dựng trên cơ sở các quan điểm sau:
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ môi trường 2005; bổ sung một số nội dung mới như tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường...; hài hòa các quy định của Luật và các cam kết quốc tế về môi trường thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; Coi phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường là nhiệm vụ chính, phù hợp với đặc điểm của khoa học môi trường như các yếu tố môi trường có mối liên kết hữu cơ với nhau, không chia cắt theo địa giới hành chính; bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học và thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
Luật bảo vệ môi trường năm 2014 gồm 20 chương và 170 điều – tăng 05 chương và 34 điều so với Luật bảo vệ môi trường 2005 (Luật bảo vệ môi trường năm 2005 gồm 15 chương với 136 điều), cụ thể:
Chương 1: Những quy định chung, gồm 07 điều, từ Điều 01 đến Điều 07 quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo vệ môi trường; chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích; và những hành vi bị nghiêm cấm.
Chương 2: Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, gồm 04 mục, 27 điều, từ Điều 08 đến Điều 34.
Chương 3: Bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gồm 04 điều từ Điều 35 đến Điều 38, quy định về: Bảo vệ môi trường trong điều tra, đánh giá, lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng; bảo vệ môi trường trong điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; và bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.
Chương 4: Ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm 10 điều từ Điều 39 đến Điều 48, quy định về: quy định chung về ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quản lý phát thải khí nhà kính; quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu thụ thân thiện môi trường; thu hồi năng lượng từ chất thải; quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; và hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương 5: Bảo vệ môi trường biển và hải đảo, gồm 03 điều từ Điều 49 đến Điều 51, quy định về: quy định chung về bảo vệ môi trường biển và hải đảo; kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trên biển và hải đảo.
Chương 6: Bảo vệ môi trường nước, đất và không khí, gồm 04 mục, 13 điều, từ Điều 52 đến Điều 64.
Chương 7: Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, gồm 15 điều từ Điều 65 đến Điều 79, quy định về: Bảo vệ môi trường khu kinh tế; bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung; bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường làng nghề; bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản; bảo vệ môi trường đối với bệnh viện và cơ sở y tế; bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng; bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội, du lịch; bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; và bảo vệ môi trường đối với cơ sở nghiên cứu, phòng thử nghiệm.
Chương 8: Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, gồm 05 điều từ Điều 80 đến Điều 84, quy định về: Yêu cầu bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư; bảo vệ môi trường nơi công cộng; yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình; tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường; và bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng.
Chương 9: Quản lý chất thải, gồm 05 mục 19 điều từ Điều 85 đến Điều 103
Chương 10: Xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường, gồm 03 mục 09 điều, từ Điều 104 đến Điều 112.
Chương 11: Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, gồm 08 điều, từ Điều 113 đến Điều 120, quy định về: hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường; nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật môi trường; yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh; yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tiêu chuẩn môi trường; xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn môi trường.
Chương 12: Quan trắc môi trường, gồm 07 điều, từ Điều Điều 121 đến Điều 127, quy định về: hoạt động quan trắc môi trường; thành phần môi trường và chất phát thải cần được quan trắc; chương trình quan trắc môi trường; hệ thống quan trắc môi trường; trách nhiệm quan trắc môi trường; điều kiện hoạt động quan trắc môi trường; và quản lý số liệu quan trắc môi trường.
Chương 13: Thông tin môi trường, chỉ thị môi trường, thống kế môi trường và báo cáo môi trường, gồm 03 mục, 11 điều từ Điều 128 đến Điều 138.
Chương 14: Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, gồm 05 điều từ Điều 139 đến Điều 143, quy định về: nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; và trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp.
Chương 15: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, gồm 03 điều, từ Điều 144 đến Điều 146, quy định về: Trách nhiệm và quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trách nhiệm và quyền của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư.
Chương 16: Nguồn lực về bảo vệ môi trường, gồm 09 điều, từ Điều 147 đến Điều 155, quy định về: chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường; phí bảo vệ môi trường; quỹ bảo vệ môi trường; phát triển dịch vụ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường; truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; và giáo dục về môi trường, đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.
Chương 17: Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, gồm 03 điều, từ Điều 156 đến Điều 158, quy định về: ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về môi trường; bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; và mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Chương 18: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường, gồm 04 điều, từ Điều 159 đến Điều 162, quy định về: Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm; tranh chấp về môi trường; và khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường.
Chương 19: Bồi thường thiệt hại về môi trường, gồm 05 điều, từ Điều 163 đến Điều 167, quy định về: Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường; nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường; giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
Chương 20: Điều khoản thi hành, gồm 03 điều, từ Điều 168 đến Điều 170 quy định về: Điều khoản chuyển tiếp; hiệu lực thi hành; và quy định chi tiết.
Hiện nay, môi trường là vấn đề nóng không chỉ của riêng Việt Nam mà là vấn đề chung của toàn nhân loại. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn, mưa bão lũ quét thất thường, suy thoái đất, nước, suy giảm nguồn tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường xảy ra trên diện rộng…Con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, khai thác đến mức cạn kiệt các nguồn tài nguyên, thải nhiều chất độc làm cho môi trường không còn khả năng tự phân hủy.
Thiên nhiên đã ban tặng cho con người nhiều thứ, vì vậy chúng ta phải biết giữ gìn và bảo vệ nó. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Luật bảo vệ môi trường 2014 là cơ sở pháp lý để chúng ta thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, cũng là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta./.