Thực hiện công văn số 5619/UBND-KGVX ngày 07/11/2017 của UBND Thành phố Hà Nội và công văn số 2400/UBND-YT ngày 16/11/2017 của UBND quận Long Biên về việc tăng cường phòng, chống bệnh sởi, ho gà, các bệnh mùa đông xuân và tiếp tục phòng chống dịch sốt xuất huyết;
Theo thông báo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay toàn Thành phố đã ghi nhận 32 trường hợp mắc sởi (tăng 30 ca so với cùng kỳ năm 2016). Bên cạnh đó, các dịch bệnh mùa đông xuân khác như Dịch cúm gia cầm, sốt phát ban, đau mắt đỏ, tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi-rubella, ho gà, quai bị…có nguy cơ phát sinh, phát triển;
Hiện nay trên địa bàn Thành phố, quận, phường tình hình dịch bệnh SXH đang có xu hướng giảm trong nhiều tuần gần đây, trong khi đó một số dịch bệnh mùa đông xuân như sởi, rubella, ho gà có xu hướng tăng;
Để nâng cao kiến thức phòng chống bệnh dịch bệnh mùa đông xuân và duy trì thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy của CBGVNV - Học sinh;
Sáng nay, ngày 27/11/2017 cô Nguyễn Thị Oanh – nhân viên y tế nhà trường đã thực hiện tuyên truyền dưới cờ về phòng, chống bệnh dịch bệnh mùa đông xuân và các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết tới CBGVNV và học sinh.
Cô yêu cầu CBGVNV và học sinh thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh dịch mùa đông xuân hiệu quả:
1. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân sạch sẽ như che mũi, miệng khi ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
2. Thường xuyên vệ sinh nhà ở, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
3. Luôn giữ ấm cơ thể phòng nhiễm lạnh: Mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đội mũ, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường; tránh chơi nơi có gió lùa…
4. Ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý: Đảm bảo ăn chín, uống sôi, luôn ăn thức ăn ấm, uống nước ấm để nâng cao thân nhiệt; tăng cường ăn thực phẩm giàu năng lượng như thịt, cá, trứng sữa; thực phẩm giàu vitamin, chất khoáng, chất xơ như trái cây, rau xanh.
5. Hạn chế sử dụng những thực phẩm có tính mát dễ gây rối loạn tiêu hóa như: nghêu, sò, ốc…; thực phẩm để tủ lạnh (nước lạnh, sữa lạnh, sữa chua để lạnh) sẽ là nguyên nhân khiến các em dễ bị viêm họng, ho kéo dài…
6. Thường xuyên vận động như tập thể dục, tham gia các hoạt động ngoài giờ chính khóa… sẽ giúp các em có sức khỏe hơn.
7. Hiện nay, một số bệnh như Sởi – Quai bị - Rubella, cúm, thủy đậu, ho gà…đã có vacxin phòng bệnh. Các em hãy nhắc gia dình chủ động đưa đến cơ sở y tế để được tiêm chủng phòng các dịch bệnh trên.
8. Khi thấy các biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, sốt, ho dữ dội thành cơn kéo dài và có tiếng thở rít, chảy nước mắt, nước mũi, kèm theo nôn có đờm dãi trắng và rất dính, nổi hạch sau tai, nuốt đau, da nổi nốt đỏ hoặc mọng nước, mắt đỏ đau…thì các em báo ngay cho gia đình và thầy cô giáo để được khám tại cơ sở y tế và được điều trị kịp thời.