TRƯỜNG TIỂU HỌC THẠCH BÀN A
TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Tuyên truyền tác hại của rượu, bia đến sức khỏe con người và cách phòng chống ngộ độc rượu bia của Cục An toàn thực phẩm
Nhằm cung cấp cho CBGVNV, học sinh những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất về công tác phòng, chống tác hại của rượu bia; giúp học sinh hiểu biết về tác hại của rượu bia với con người, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên, học sinh trong công tác phòng chống tác hại của rượu bia, trường Tiểu học Thạch Bàn A thực hiện tuyên truyền phòng chống tác hại của rượu bia đến sức khỏe con người.
Theo ước tính, mỗi năm nước ta tiêu thụ gần 68 triệu lít rượu, bia, hiện xếp thứ 5 trong 10 nước Châu Á về lượng tiêu thụ bia, rượu bình quân. Theo thống kê, có ít nhất 50% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông; 67% các vụ tự tử có liên quan tới rượu và khoảng 80% người nghiện rượu có triệu chứng trầm cảm. Sử dụng rượu, bia là thói quen tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như Việt Nam, được coi là phương tiện giao tiếp xã hội. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực. Tuy nhiên, sử dụng rượu, bia sai cách có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể, là nguy cơ gây ra các tác động xấu đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế.
1. Tác hại của rượu, bia:
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật như loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai,... và là một trong những yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm. Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu, bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.
Uống nhiều rượu sẽ có hại cho sức khỏe, chẳng những gây hại cho bản thân mình, rượu còn gây tổn hại về nhiều mặt vật chất, tình cảm với mọi người xung quanh. Ngày nay các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng nếu uống quá nhiều rượu sẽ tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể con người từ hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ nội tiết, đặc biệt là hệ tiêu hóa gan mật. Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…
Hình ảnh minh họa
Rượu, bia gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như huyết áp, các bệnh liên quan tới tim mạch, chuyển hóa,... Ngoài ra, uống nhiều rượu, bia còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tình hình an ninh trật tự xã hội như: Bạo hành gia đình và gây rối trật tự xã hội.
2. Cách phòng ngừa ngộ độc rượu, bia:
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, theo Cục An toàn thực phẩm, mọi người cần thực hiện các nguyên tắc sau:
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Vì sức khỏe và an toàn của bản thân, của gia đình và cộng đồng, mọi người
cần kiểm soát lượng rượu bia uống vào để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và tránh những hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội./.