TUYÊN TRUYỀN VỀ LUẬT GIÁO DỤC
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là một trong những rường cột để quốc gia phát triển và thịnh vượng. Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và và có chính sách lớn đầu tư cho ngành giáo dục. Giáo dục được thể chế hóa trong Hiến pháp nước ta, thuộc Chương III, bao gồm các lĩnh vực "Kinh tế, Xã hội, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Công nghệ, và Môi trường". Điều 61 của Hiến pháp nước ta có quy định: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài". Để cụ thể hóa chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, Luật giáo dục đã sớm được Quốc hội nước ta thông qua lần đầu tiên vào năm 1998. Luật giáo dục hiện hành được Quốc hội nước ta thông qua vào năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009.
Bố cục và nội dung của Luật giáo dục Luật Giáo dục năm 2005 có 9 chương, 120 điều cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung gồm 20 điều, từ điểu 1 đến điều 20; quy định về phạm vi điều chỉnh; mục tiêu giáo dục; tính chất, nguyên lý giáo dục; hệ thống giáo dục quốc dân; yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục; chương trình giáo dục; ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, dạy ngoại ngữ; văn bằng, chứng chỉ; phát triển giáo dục; quyền và nghĩa vụ học tập của công dân; phổ cập giáo dục; xã hội hoá sự nghiệp giáo dục; đầu tư cho giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục; vai trò và trách nhiệm của nhà giáo; vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục; kiểm định chất lượng giáo dục; nghiên cứu khoa học; không truyền bá tôn giáo trong các trường, cơ sở giáo dục khác; cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục.
Chương II. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm 27 điều, từ điểu 21 đến điều 47 quy định về giáo dục mầm non (mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục, cơ sở giáo dục); giáo dục phổ thông (mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục, sách giáo khoa, cơ sở giáo dục, xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông); giáo dục nghề nghiệp (mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình, cơ sở giáo dục, văn bằng, chứng chỉ); giáo dục đại học và sau đại học (mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình, cơ sở giáo dục, văn bằng); giáo dục thường xuyên (yêu cầu về chương trình, nội dung, phương pháp, cơ sở giáo dục, văn bằng, chứng chỉ).
Chương III. Nhà trường và cơ sở giáo dục khác gồm 22 điều, từ điểu 48 đến điều 69 quy định tổ chức, hoạt động của nhà trường (nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân; trường của cơ quan nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, của lực lượng vũ trang nhân dân; thành lập nhà trường; thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường; điều lệ nhà trường; hội đồng trường, hiệu trưởng, hội đồng tư vấn trong nhà trường; tổ chức Đảng trong nhà trường, đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường); nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường (nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học trong nghiên cứu khoa học phục vụ xã hội, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học); các loại trường chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường chuyên, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật, trường giáo dưỡng); Chính sách đối với trường dân lập, tư thục (nhiệm vụ và quyền hạn của trường dân lập; tư thục; chế độ tài chính, quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn; chính sách ưu đãi); tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục khác.
Chương IV. Nhà giáo gồm 13 điều, từ điểu 70 đến điều 82 quy định nhiệm vụ và quyền của nhà giáo (giáo sư, phó giáo sư, nhiệm vụ của nhà giáo, quyền của nhà giáo, thỉnh giảng, các hành vi nhà giáo không được làm, Ngày nhà giáo Việt Nam); đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo (trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; trường sư phạm, nhà giáo của trường cao đẳng, trường đại học); chính sách đối với nhà giáo (bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tiền lương, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Chương V. Người học gồm 10 điều, từ điểu 83 đến điều 92 quy định nhiệm vụ và quyền của người học (người học; quyền và chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non, nhiệm vụ của người học, quyền của người học, nghĩa vụ làm việc có thời hạn theo sự điều động của nhà nước; các hành vi bị cấm đối với người học); chính sách đối với người học (học bổng và trợ cấp xã hội; chế độ cử tuyển; tín dụng giáo dục; miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên).
Chương VI. Nhà trường, gia đình và xã hội gồm 6 điều, từ điểu 93 đến điều 98 quy định trách nhiệm của nhà trường; trách nhiệm của gia đình; quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh; ban đại diện cha mẹ học sinh; trách nhiệm của xã hội; Quỹ khuyến học, Quỹ bảo trợ giáo dục.
Chương VII. Quản lý nhà nước về giáo dục gồm 15 điều, từ điểu 99 đến điều 105 quy định nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đầu tư cho giáo dục (các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục; ngân sách nhà nước chi cho giáo dục; tiên đầu tư tài chính và đất đai xây dựng trường học; khuyến khích đầu tư cho giáo dục; học phí, lệ phí tuyển sinh; ưu đãi về thuế trong xuất bản sách giáo khoa, sản xuất thiết bị dạy học, đồ chơi); hợp tác quốc tế về giáo dục (khuyến khích hợp tác về giáo dục với nước ngoài, khuyến khích hợp tác về giáo dục với Việt Nam, công nhận văn bằng nước ngoài); thanh tra giáo dục (quyền hạn, trách nhiệm của Thanh tra giáo dục, tổ chức hoạt động của Thanh tra giáo dục).
Chương VIII. Khen thưởng và xử lý vi phạm gồm 5 điều, từ điểu 114 đến điều 118 quy định phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú; khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong giáo dục; khen thưởng đối với người học; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự; xử lý vi phạm.
Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 2 điều, điểu 119 và điều 120 quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành.
Qua 3 năm thực hiện, Luật giáo dục 2005 đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật giáo dục 2005 đã nảy sinh một số điểm hạn chế, bất cập, một số quy định của Luật giáo dục 2005 chưa đi vào cuộc sống. Một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục, phát huy tốt hơn hợp tác quốc tế về giáo dục cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho rõ ràng hơn để dễ hướng dẫn, dễ thực hiện. Vì vậy, vào ngày 19 tháng 6 năm 2009, Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 5 thông qua Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010- 2011 đến năm học 2014-2015, một số nội dung của Nghị quyết cần được thể chế trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục là cần thiết. Do đó, ngày 25 tháng 11 năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật số 44/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục 2005.
Luật giáo dục 2009 gồm có hai điều:
Điều 1 gồm 31 khoản quy định về các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục 2005 cụ thể như sau:
Sửa đổi Khoản 2 Điều 6 (về chương trình giáo dục).
Sửa đổi Khoản 1 Điều 11 (về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi).
Sửa đổi Điều 13 (Đầu tư cho giáo dục).
Sửa đổi Khoản 3 Điều 29 (về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa).
Sửa đổi Khoản 2 Điều 35 (về giáo trình giáo dục nghề nghiệp).
Sửa đổi Khoản 4 Điều 38 (về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ).
Bổ sung khoản 5 Điều 38 (về việc đào tạo trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho người đã tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc biệt).
Sửa đổi Khoản 2 Điều 41 (về giáo trình giáo dục đại học).
Sửa đổi Điểm b khoản 1 Điều 42 (về tên gọi trường đại học).
Sửa đổi Khoản 2 Điều 42 (về điều kiện đào tạo trình độ tiến sỹ).
Sửa đổi Khoản 6 Điều 43 (về văn bằng công nhận trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng cho những người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc biệt).
Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 46 (về Trung tâm ngoại ngữ, tin học).
Sửa đổi Khoản 3 Điều 46 (về Trung tâm ngoại ngữ, tin học).
Sửa đổi Khoản 2 Điều 48 (về thành lập trường).
Sửa đổi Điều 49 (về trường của cơ quan nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân).
Sửa đổi Điều 50 (Điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục).
Bổ sung Điều 50a về đình chỉ hoạt động giáo dục và Điều 50b về giải thể nhà trường.
Sửa đổi Điều 51 (về thẩm quyền, thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập; cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường).
Sửa đổi Khoản 1 Điều 58 (về công khai mục tiêu, chương trình giáo dục).
Sửa đổi Điểm b khoản 1 Điều 69 (về trung tâm ngoại ngữ, tin học).
Sửa đổi Điểm c khoản 1 Điều 69 (về đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ của viện nghiên cứu khoa học).
Sửa đổi Khoản 2 Điều 69 (về vấn đề ký hợp đồng đào tạo trình độ thạc sĩ của Viện nghiên cứu khoa học).
Sửa đổi Khoản 3 Điều 70 (về tên gọi nhà giáo ở cao đẳng nghề).
Sửa đổi Điều 74 (về thỉnh giảng).
Sửa đổi Điều 78 (về cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục).
Sửa đổi Điều 81 (về tiền lương).
Sửa đổi Khoản 4 Điều 100 (về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục).
Sửa đổi Khoản 2 Điều 101 (về học phí, lệ phí).
Bổ sung khoản 4 Điều 108 (về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài, việc hợp tác về giáo dục với tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Sửa đổi Điều 109 (về khuyến khích hợp tác về giáo dục với Việt Nam).
Bổ sung Mục 3a Chương VII (về kiểm định chất lượng giáo dục).
Điều 2 quy định hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01 tháng 7 năm 2010.
So với bố cục của Luật giáo dục 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục 2005 đã bổ sung 5 điều mới, sửa đổi 24 điều (trên tổng số 120 điều).
Kể từ khi Luật giáo dục được thông qua tới nay, Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định luật bao gồm:
Nghị định 75/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục.
Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục.
Nghị định 07/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 sửa đổi Nghị định 31/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 75/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục.
Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Nghị định số 139/2006/NĐ-CP ngày 20/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi thành một số điểm của Luật giáo dục và Bộ luật lao động về dạy nghề.
Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 24/12/2010 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.
Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30/12/2011 quy định về trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.
Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/09/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khan.
Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 9/5/2013 về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục.
Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/2/2012 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường Trung học phổ thông chuyên.
Trong thời gian vừa qua, lien quan tới Luật giáo dục, Quốc hội cũng đã ban hành Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014 quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tổ chức hoạt động của cở sở giáo dục nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Ở bậc giáo dục Đạ học, Quốc hội cũng đã ban hành Luật số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 về giáo dục đại học, quy định về tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý Nhà nước về giáo dục đại học.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện Luật giáo dục, đưa nền giáo dục nước nhà sánh ngang với các cường quốc năm châu./.