Sáng thứ hai ngày 24/04/2017, trong buổi sinh hoạt dưới cờ, trường Tiểu học Thạch Bàn A tổ chức tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong việc đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tại buổi tuyên truyền, cô Nguyễn Thị Oanh – Nhân viên y tế trường học đã triển khai Công văn số 1064/SGD&ĐT-CTTT ngày 13 tháng 4 năm 2017 của Sở Giáo dục & Đào tạo về việc triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” thành phố Hà Nội năm 2017 và Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2017của UBND quận Long Biên về việc Triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2017. Tháng “Hành động vì ATTP” năm 2017 diễn ra từ ngày 15/4/2017 đến 15/5/2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Mục đích của tháng hành động nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với rau, thịt; giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu...
Thời gian qua, các vụ ngộ độc rượu và các vụ ngộ độc thực phẩm đang xảy ra nhiều. Người dân hàng ngày đều lo lắng về những thực phẩm mình đang tiêu dùng hoặc là bẩn hoặc là sử dụng hóa chất độc hại vượt rất nhiều lần ngưỡng quy định. Chính điều đó đang gây biến đổi gen, xuất hiện nhiều căn bệnh ung thư, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Do đó, đã đến lúc người tiêu dùng cần thay đổi thói quen, không nên dễ dãi tiêu dùng sản phẩm rẻ, tiện lợi tại những nơi không đảm bảo vệ sinh, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Người sản xuất, mua bán vì mục tiêu kinh doanh lâu dài, bền vững không nên lạm dụng hóa chất trong sản xuất, bảo quản thực phẩm.
Học sinh chú ý lắng nghe khi Cô Oanh - Nhân viên y tế trường
tuyên truyền các kiến thức về ATTP
Cô Oanh cũng lưu ý cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và chú ý "ăn chín, uống sôi" đề phòng ngộ độc. Trong buổi tuyên truyền, cô Oanh đã phổ biến nội dung 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn phòng chống ngộ độc thực phẩm:
- Nguyên tắc 1: Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch an toàn.
- Nguyên tắc 2: Thực hiện ăn chín, uống sôi, ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ hoa quả tươi trước khi sử dụng.
- Nguyên tắc 3: Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.
- Nguyên tắc 4: Che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín.
- Nguyên 5: Đun kĩ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng.
- Nguyên tắc 6: Không để lẫn thực phẩm sống và chín. Không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín.
- Nguyên tắc 7: Rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với nguồn ô nhiễm khác.
- Nguyên tắc 8: Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ hợp vệ sinh.
- Nguyên tắc 9: Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn.
- Nguyên tắc 10: Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm.
Cuối buổi cô Oanh nhắc nhở cán bộ, giáo viên, học sinh sau khi đã được cập nhật các kiến thức trong buổi tuyên truyền này về cộng đồng hãy tuyên truyền các nội dung trên cho mọi người biết và thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Mọi người, mọi nhà cần tích cực, chủ động giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân, gia đình và xã hội./.