TRƯỜNG TIỂU HỌC THẠCH BÀN A
BỘ PHẬN Y TẾ
Phòng chống bệnh viêm kết mạc cấp
|
Bệnh viêm kết mạc cấp còn được gọi là “đau mắt đỏ” là bệnh viêm cấp tính của màng kết mạc tại mắt. Đây là một bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng nên thường phát triển thành dịch.
Hình ảnh đau mắt đỏ ở trẻ em (ảnh minh họa)
Nguyên nhân gây bệnh: Viêm kết mạc cấp do rất nhiều nguyên nhân: Do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, tạp khuẩn,...), do virut (Adeno virut, virut Herpes,...), do ký sinh trùng,....Tuy nhiên, bệnh viêm kết mạc cấp có thể phát triển thành dịch (gọi là dịch đau mắt đỏ) thì nguyên nhân chủ yếu là do virus mà hay gặp là virus hạch (Adeno virut). Thời gian ủ bệnh (từ khi bị nhiễm đến khi xuất hiện bệnh) thường kéo dài 3 ngày.
Con đường lây truyền của bệnh: Bệnh lây từ người này sang người khác qua nước mắt và rử ghèn có chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Người bị viêm kết mạc hay lấy tay dụi mắt, sau đó cầm nắm vào các đồ vật sử dụng chung như tay nắm cửa, cốc, chén, gương, lược, gối, chăn… làm cho người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây. Hoặc có thể lây khi sử dụng chung chậu rửa mặt, khăn mặt. Cũng có thể lây qua môi trường bể bơi tập thể hoặc qua vật trung gian là ruồi. Một số viêm kết mạc do virut còn lây bệnh qua đường hô hấp. Khi viêm kết mạc, nước mắt chứa yếu tố gây bệnh được dẫn lưu xuống mũi họng. Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí sẽ gây bệnh cho người khác.
Triệu chứng bệnh: Khi bị bệnh bệnh nhân sẽ thấy mắt ngứa, cộm, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều rử ghèn ở mắt. Đôi khi sáng ngủ dậy rử ghèn viêm làm cho hai mi dính chặt lại nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Bệnh nhân thấy nhìn khó nhưng thi lực thường không giảm (trừ khi có biến chứng viêm giác mạc).
Hình ảnh đau mắt đỏ có rử ghèn (ảnh minh họa)
Khám mắt sẽ thấy: Mi mắt sưng nề, mạch máu kết mạc (phần lòng trắng của mắt) bị cương tụ làm cho mắt bị đỏ, kết mạc có thể phù nề. Có thể có xuất huyết dưới kết mạc. Kết mạc mi có thể có lớp giả mạc che phủ, kết mạc mi có tổn thương nhú, hột. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc, khi đó thị lực của bệnh nhân giảm rất nhiều. Bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to, có nốt mụn phỏng ở ngoài da mi và mặt.
Điều trị bệnh: Khi bị bệnh, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa mắt để có chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý. Tránh một số trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc về nhỏ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Chú ý không điều trị theo các phương pháp như đắp lá, xông nước lá trầu không. Các phương pháp này dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt, gây bỏng mắt do sức nóng, làm cho tính chất bệnh càng phức tạp, khó điều trị hơn.
Hậu quả của bệnh: Bệnh viêm kết mạc cấp có thể khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 tuần không để lại di chứng gì, tuy nhiên nó có thể gây ra một số hậu quả: Ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động. Bệnh có thể gây nên tổn thương giác mạc như viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc chấm nông gây giảm thị lực kéo dài và có thể lây lan thành dịch làm cho nhiều người cùng bị bệnh.
Phương pháp phòng bệnh: Luôn vệ sinh sạch sẽ, khi đi đường bụi phải đeo kính, tra nước muối sinh lý để rửa mắt. Khi có người bị viêm kết mạc cấp thì phải có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người khác như:
- Người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây cho người khác. Khi ở nhà phải sử dụng đồ vật riêng như chậu rửa mặt, khăn mặt, cốc chén… Không dụi tay lên mắt. Tránh bắt tay, mời nước người khác. Khi cần giao tiếp phải đeo kính, đeo khẩu trang. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc, sau khi dụi mắt. Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung phải rửa tay bằng xà phòng trước. Sau khi khỏi bệnh cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.
- Không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người.
- Không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng. Nồng độ muối và độ pH cũng không thích hợp với mắt. Ngoài ra nước muối tự pha còn thường có lẫn những tạp chất có hại cho mắt.
- Không vứt bừa bãi bông gạc, khăn, giấy sau khi sử dụng thấm rửa mắt.
- Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng.
- Các phòng khám cần vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình.
- Giữ vệ sinh môi trường, diệt ruồi.
Tác giả: Nguyễn Thị Oanh – Nhân viên y tế